Băn khoăn gì ở dự án gần 19 tỷ USD mà PVN vừa đề xuất?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Dự án lọc hóa dầu vừa được PVN đề xuất xây dựng trong 3 năm, hoàn thành vào 2027. Tổng vốn đầu tư là 17-18,5 tỷ USD cho hai giai đoạn, trong đó vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 70%.

Mới đây Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề xuất xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại KCN dầu khí Long Sơn, với các sản phẩm chính là xăng dầu, hóa dầu.

Dự kiến thời điểm đủ điều kiện hồ sơ để đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là tháng 1/2023. Các bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt quyết định được tiến hành trong 2023-2024.

Dự án sẽ được xây dựng trong 3 năm, hoàn thành vào 2027. Tổng vốn đầu tư là 17-18,5 tỷ USD, quy đổi theo tỷ giá hiện hành tương đương 397.885 - 444.695 tỷ đồng cho hai giai đoạn. Trong đó, vốn đầu tư giai đoạn 1 là khoảng 70%.

Băn khoăn gì ở dự án gần 19 tỷ USD mà PVN vừa đề xuất? - 1

Dự án tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ dầu quốc gia mà PVN đề xuất xây dựng tại Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) có quy mô khái toán gần 19 tỷ USD cho cả 2 giai đoạn (Ảnh minh họa: IT).

Chuyên gia băn khoăn gì?

Trao đổi với Dân trí, một đại diện Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương) cho biết dự án mới được PVN đề xuất, Chính phủ có yêu cầu Bộ công Thương góp ý, hiện tại vẫn trong quá trình nghiên cứu.

Tuy nhiên, theo quan điểm của vị này, tổng mức đầu tư dự án rất lớn, do vậy cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét tính khả thi, trong đó sẽ có những đánh giá về vấn đề nguồn cung, cân đối cung cầu, hiệu quả dự án…

TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - cũng cho biết dự án mới dừng lại ở đề xuất. Nếu dự án trở thành hiện thực thì sẽ góp phần đảm bảo được an ninh năng lượng. Với quy mô hơn 18 tỷ USD, ông Thập rằng mới chỉ là khái toán, còn quá sớm để nói về việc có khả thi hay không khả thi khi mức đầu tư quá lớn. Sau khi được chấp thuận về chủ trương, dự án còn nhiều bước như báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi… Theo đó, các con số và nhiều vấn đề được đưa ra chi tiết, cụ thể hơn.

Tuy nhiên, ông Thập cũng lưu ý đối các dự án đầu tư có tổng mức đầu tư lớn như thế thì cần phải kỹ lưỡng và thận trọng. Việc có khả thi hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố chứ không chỉ vì dự án có tổng mức đầu quá lớn mà cho rằng thiếu khả thi.

Chuyên gia Võ Trí Thành cũng cho biết, vấn đề không phải là tiền mà là cách làm và hiệu quả đầu tư. Trong đó, vị chuyên gia lưu ý đến cân đối nguồn cung dầu thô, hiệu quả kinh tế và đặc biệt là chiến lược năng lượng quốc gia, trong đó có các cam kết ở COP26 của Việt Nam.

Chuyên gia này cũng đặt vấn đề, từ năm 2030, Việt Nam sẽ hạn chế xe động cơ đốt trong, đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như ô tô, xe máy tham gia giao thông phải chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Nếu đưa vấn đề xây dựng nhà máy lọc hóa dầu từ năm 2028, về lý thuyết sẽ giảm hiệu quả, công suất khi Nhà nước khuyến khích sử dụng năng lượng sạch. Đây là bài toán đặt ra cho doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia lưu ý.

Vì sao PVN đề xuất?

Trước đó, khi đề xuất dự án, PVN cho biết nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường trong nước năm 2020 là 18 triệu tấn, sẽ đạt khoảng 25 triệu tấn vào năm 2025 rồi lên tới 33 triệu tấn vào năm 2030 và tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo.

Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện tại, bao gồm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) và các nhà máy chế biến condensate là khoảng 12,2 triệu tấn và dự kiến tăng lên khoảng 13,5 triệu tấn sau khi mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Như vậy, khả năng sản xuất trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 70% cho nhu cầu sản phẩm xăng dầu ở thời điểm hiện nay và giảm xuống chỉ còn 40% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045.

Khi đó, Việt Nam sẽ thiếu hụt lượng lớn sản phẩm xăng dầu, ước tính 19,5 triệu tấn vào năm 2030, khoảng 25 triệu tấn vào năm 2035 và lên tới 49 triệu tấn vào năm 2045.

Bên cạnh đó, dự trữ xăng dầu trong nước hiện nay mới đáp ứng được chưa tới 10 ngày tiêu dùng, nên phụ thuộc vào sự ổn định sản xuất và cung cấp xăng dầu từ nguồn nhập khẩu. Chưa kể mặt hàng xăng dầu, sản phẩm hóa dầu có tính đặc thù nên cần có thời gian đặt hàng trước.

Với các phân tích của mình, PVN cho rằng, việc xây dựng Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu tiếp theo của Việt Nam tại khu vực miền Nam là hoàn toàn hợp lý và tối ưu.