Đại biểu băn khoăn: Xuất hiện 86 lần, dễ lầm Luật Dầu khí dành cho PVN?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Một đại biểu Quốc hội đếm cụm từ "Tập đoàn Dầu khí Việt Nam" xuất hiện trong dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi là 86 lần. Vị này cho rằng "không khéo dễ dẫn đến sự hiểu lầm luật này dành cho PVN".

Còn nhập nhèm, khó xác định trách nhiệm, dễ phát sinh tiêu cực

Quốc hội vừa tiến hành thảo luận tại hội trường về Luật Dầu khí sửa đổi. Có 21 đại biểu đăng ký tham gia thảo luận với nhiều ý kiến đáng chú ý.

Trong đó, nhiều đại biểu quan tâm đến cơ chế, chính sách để tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí hay vai trò của PVN…

Đại biểu băn khoăn: Xuất hiện 86 lần, dễ lầm Luật Dầu khí dành cho PVN? - 1

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) (Ảnh: Quốc Chính).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) băn khoăn khi dự thảo luật dành một chương để đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của PVN.

Đếm cụm từ "Tập đoàn Dầu khí Việt Nam", đại biểu Ngân cho biết tên tập đoàn này xuất hiện 86 lần trong dự thảo. "Như vậy không khéo dễ dẫn đến sự hiểu lầm là luật này dành cho PVN", đại biểu Ngân nêu ý kiến.

Ông cho rằng cần cân nhắc nội dung đưa một chương như vậy bởi "hơi nhiều". Ông Ngân cũng đề nghị đưa vào Chương I một điều khoản như luật năm 1993 nhưng làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của PVN. Còn trách nhiệm của Hội đồng thành viên hay PVN đã được ghi trong điều lệ cũng như trong Luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Ngân đề xuất cần thêm một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về dầu khí là tài nguyên quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) cũng băn khoăn về nội dung thứ ba, chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của PVN. Ngoài 5 điều được quy định tại Chương IX, dự thảo luật còn dành 34 khoản trong 21 điều quy định về thẩm quyền của PVN.

"Tôi thấy rất nhập nhèm, khó xác định trách nhiệm, không minh bạch, dễ phát sinh tiêu cực", đại biểu Thủy nói. Bà dẫn chứng, có lúc thì PVN đóng vai trò của nhà thầu như quy định tại Điều 23, Điều 32 và Điều 33, có lúc PVN đóng vai trò của công ty mẹ như quy định tại Điều 35 và Điều 36, có lúc PVN lại gần như đóng vai trò quản lý Nhà nước như tại các điều từ Điều 37 đến Điều 45.

Đồng thời, theo bà Thủy, các Điều 39, 40, 43 quy định thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí của Bộ Công Thương nhưng lại giao thẩm quyền điều chỉnh các kế hoạch này cho PVN trong trường hợp tổng mức đầu tư hoặc tổng chi phí sau điều chỉnh lần lượt nhỏ hơn 10% và 20%.

"Việc quy định như vậy dễ dẫn đến tiêu cực, câu kết với nhà thầu chia nhỏ đến mức đáp ứng tiêu chí ở cấp được ủy quyền phê duyệt nhằm vụ lợi, tránh sự kiểm soát của cấp có thẩm quyền", bà Thủy lo ngại. Do đó, bà đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, phân định rạch ròi quyền và trách nhiệm tương ứng.

Đồng thời đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ: Thứ nhất, PVN là doanh nghiệp Nhà nước thì có được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về dầu khí hay không? Nếu có, khi thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về dầu khí thì PVN chịu sự điều chỉnh theo pháp luật nào, ai sẽ là người đại diện để thực hiện quyền trong trường hợp này?

Thứ hai, PVN chịu trách nhiệm tới đâu trong trường hợp những nội dung do PVN thẩm định, phê duyệt hay tham mưu thẩm định, phê duyệt gây hậu quả thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước.

Thứ ba, áp dụng quy định pháp luật nào để xây dựng dự thảo tại khoản 9 Điều 53. Theo đó, PVN được coi là không vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng vốn Nhà nước khi tham gia cùng với doanh nghiệp có vốn góp của PVN mua lại quyền ưu tiên, mua lại quyền tham gia trong hợp đồng dầu khí.

Không thu hút bằng mọi giá

Đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) cũng đề nghị việc phân định rõ hai vai trò của PVN tại dự thảo luận. Một là nhà thầu dầu khí, hai là thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động dầu khí theo ủy quyền của Chính phủ.

Cụ thể, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần quy định rõ hơn các nội dung về trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của PVN như các nhà thầu dầu khí khác để không có sự chồng chéo, mâu thuẫn về thẩm quyền của PVN trong việc phê duyệt dự án đầu tư.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết, dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nhưng khai thác hiện nay rất khó khăn. Tuy nhiên, bà cho rằng rất cần đề cao tính thận trọng, vì trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo.

Đại biểu băn khoăn: Xuất hiện 86 lần, dễ lầm Luật Dầu khí dành cho PVN? - 2

Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (Ảnh: Quốc Chính).

Bà Mai cho biết trong những năm qua sản lượng luôn giảm. Năm 2018, số thu từ dầu thô chiếm 4,6%, đến năm 2021 còn 2,6%. Trữ lượng dầu khí cũng là vấn đề rất cần quan tâm.

"Bên cạnh đó, trên thực tế thời gian qua cũng có những trường hợp đầu tư thu hút nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí cũng phải trả giá rất đắt. Vì vậy, tôi nghĩ trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, không đầu tư bằng mọi giá", bà Mai nhấn mạnh.

Dự thảo luật đưa ra ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm từ 32% xuống còn 28%, không thu tiền sử dụng biển... Bà Mai cho rằng, trong bối cảnh giá dầu thô diễn biến phức tạp, việc giảm thuế cần cân nhắc và không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

"Việc không thu tiền sử dụng khu vực biển đã áp dụng nhiều năm với ngành siêu lợi nhuận như dầu khí thì có cần kéo dài chính sách ưu đãi này hay không?", bà Mai nói.

Vị đại biểu nhấn mạnh thêm, quốc gia nào sở hữu nguồn tài nguyên dầu khí lớn thì quốc gia đó được coi là may mắn và hoàn toàn có quyền tự tin về tiềm lực của mình. Và đối với Việt Nam hiện nay thì việc khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực dầu khí là vấn đề hoàn toàn cần thiết.