"Bầm dập" vì dịch và Nghị định 100, cổ phiếu ngành bia vẫn "lên hương"

(Dân trí) - Cạnh tranh khốc liệt cùng với tác động từ Nghị định 100, hoạt động giãn cách xã hội… đã khiến ngành bia gặp khó khăn thê thảm. Song khởi đầu phiên tháng 7, cổ phiếu ngành bia vẫn thăng hoa.

Bầm dập vì dịch và Nghị định 100, cổ phiếu ngành bia vẫn lên hương - 1

Tiêu thụ bia giảm mạnh trong giai đoạn đầu năm và dần phục hồi hậu giãn cách xã hội

Sản lượng tiêu thụ bia đang quay trở lại

Cổ phiếu các doanh nghiệp ngành bia đã diễn biến tích cực trong phiên khởi đầu tháng 7. Theo đó, SAB tăng 5.800 đồng lên 162.800 đồng, BHN tăng 2.600 đồng lên 54.600 đồng.

Hôm qua, Sabeco họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngành bia bị tác động mạnh bởi Nghị định 100 và dịch Covid-19. Thời điểm cách ly xã hội, hãng bia này đã phải dừng một số công việc sản xuất, hoãn các dự án mở rộng nhà máy bia Củ Chi và Sóc Trăng.

Và để giảm thiểu chi phí, Sabeco cũng giảm số lượng nhân viên thời vụ và đối tác bên thứ ba, thực hiện trả lương theo năng suất. Các chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí bao bì, vận chuyển, chi phí thuê văn phòng cũng được tiết giảm đáng kể.

Tổng giám đốc Sabeco Bennett Neo còn cho biết, nửa đầu năm nay, Sabeco bị ảnh hưởng bởi các tin đồn ác ý tung ra bởi những đối tượng muốn cạnh tranh không lành mạnh.

“Chúng tôi đã bị ảnh hưởng làm mất đi thị phần tại một số địa phương chịu tác động bởi tin đồn. Nhưng tin tốt lành là chúng tôi đến nay đã có sự phục hồi tại các địa phương đó và sản lượng bán đang quay trở lại” - ông Bennett cho hay.

Tuy vậy, trong tháng 5 và tháng 6, Sabeco đã nhìn thấy sự phát triển tích cực trở lại của thị trường và hy vọng rằng đà hứng khởi này sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Điều này có thể giúp kết quả kinh doanh của nửa cuối năm 2020 tốt đẹp hơn nhiều so với giai đoạn đầu năm.

Chỉ tiêu mà Sabeco đặt ra cho năm 2020 đó là doanh thu thuần 23.800 tỷ đồng, giảm 37%; lãi sau thuế 3.252 tỷ đồng, giảm 39% - cũng là mức lợi nhuận thấp nhất 5 năm qua. Cổ tức duy trì ở mức 35% tiền mặt.

Tương tự, trong hôm qua, Habeco cũng tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 thông qua kế hoạch doanh thu 4.239 tỷ đồng, giảm 44% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế 248 tỷ đồng, giảm 51% - mức lợi nhuận thấp nhất từ khi công khai tài chính 2008 đến nay

Các chỉ tiêu kinh doanh nói trên của Habeco đặt ra dựa trên kịch bản xấu nhất là dịch Covid-19 sẽ vẫn chưa kết thúc trong năm 2020.

Habeco chịu sự cạnh tranh gay gắt trong năm 2019 và tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 và Nghị định 100 trong năm 2020; đặc biệt, thời gian thực hiện cách ly xã hội đã khiến sản lượng tiêu thụ của hãng bia này sụt giảm đáng kể.

Báo cáo của Ban Tổng giám đốc Habeco cho thấy, lợi nhuận 4 tháng đầu năm của hãng bia này chỉ đạt gần 16 tỷ đồng, giảm đến 93% so với cùng kỳ năm 2019. Các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách đều suy giảm, chỉ đạt từ 44 - 50% so với cùng kỳ. Nhiều đơn vị thành viên phải ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, tiền lương, dòng tiền bị ảnh hưởng lớn, tình hình tài chính mất cân đối…

Sáng tháng 5 và tháng 6, tình hình khả quan hơn. Tiêu thụ tháng 5 đạt 84% so với cùng kỳ và tháng 6 đạt khoảng 95%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của Habeco đạt khoảng 110 triệu lít, ước khoảng 50% kế hoạch. Lợi nhuận ghi nhận khoảng 100 tỷ đồng.

Cổ phiếu Coteccons và Hoà Bình đều tăng kịch trần

Với sự hỗ trợ của thị trường thế giới, tâm lý e ngại của nhà đầu tư trong nước đã phần nào đã được cởi bỏ và theo đó đẩy các chỉ số bật tăng tốt trong sáng nay (1/7).

Chỉ số chính VN-Index tăng 9,09 điểm tương ứng 1,1% lên 834,2 điểm; HNX-Index tăng 1,01 điểm tương ứng 0,92% lên 110,78 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 0,11 điểm tương ứng 0,19% lên 55,63 điểm.

Thanh khoản chưa cho thấy sự bứt tốc rõ rệt nhưng đạt khá và cho thấy dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại. Áp lực bán lên thị trường giảm. Khối lượng giao dịch đạt 155,06 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng giá trị giao dịch 2.590,27 tỷ đồng.

HNX có 17,16 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 152,47 tỷ đồng và trên UPCoM là 5,61 triệu cổ phiếu tương ứng 87,11 tỷ đồng.

Vẫn còn 981 mã cổ phiếu không có giao dịch nào diễn ra trong sáng nay, thế nhưng điểm tích cực là độ rộng thị trường nghiêng rõ rệt về phía các mã tăng. Tổng cộng trên 3 sàn có 362 mã tăng, 42 mã tăng trần so với 248 mã giảm và 29 mã giảm sàn.

Cùng với đó, một số cổ phiếu vốn hoá lớn đã hồi phục mạnh và nhờ vậy đã kéo các chỉ số tăng điểm. VNM tăng 1.400 đồng lên 114.100 đồng; VRE tăng 1.350 đồng lên 26.150 đồng; MSN tăng 1.100 đồng lên 55.200 đồng; VIC tăng 1.100 đồng lên 90.100 đồng; VHM, MWG, BID, VCB, HPG, HVN… cũng đều đang tăng giá.

Trong sáng nay, SAB và VIC là hai mã cổ phiếu có đóng góp đáng kể nhất với VN-Index. SAB mang về 1,06 điểm và VIC cũng mang về 1,06 điểm cho chỉ số chính.

Cổ phiếu của hai “ông lớn” đầu ngành xây dựng CTD của Coteccons và HBC của Hoà Bình cũng đạt được trạng thái giao dịch thăng hoa. CTD tăng trần 4.800 đồng lên 74.400 đồng, không hề còn dư lệnh bán nào. Tương tự, HBC cũng trắng bên bán, tăng trần lên 10.350 đồng và có dư mua giá trần.

Ở chiều ngược lại, HDB, VPI, HPX, EIB, TCH, DHG giảm giá. Tuy nhiên, các mã này lại không ảnh hưởng đáng kể lên xu hướng thị trường.

Sau khi mạch giảm của thị trường đã lan sang phiên thứ 6 liên tiếp, MBS cho rằng, các thông tin cả trong và ngoài nước hầu như đã không tác động tiêu cực đến thị trường. Nhịp giảm liền mạch của thị trường khiến các chỉ báo kỹ thuật xấu đi, ngưỡng hỗ trợ hiện khá mong manh.

Tuy vậy, MBS cho rằng sẽ có nhịp hồi kỹ thuật trong các phiên còn lại của tuần này. Các cổ phiếu đã giảm mạnh kể từ đỉnh ngắn hạn (900 điểm) sẽ là địa chỉ của dòng tiền.

Còn Yuanta Việt Nam thì lạc quan rằng thị trường có thể sẽ hồi phục trở lại và chỉ số VN-Index quay trở lại quanh đường trung bình 50 ngày (tức là mức 838 điểm).

Điểm tích cực mà YSVN nhận thấy là lực cầu bắt đáy gia tăng vào cuối phiên hôm qua khi các chỉ số chính giảm về gần vùng hỗ trợ quanh đường trung bình 50 ngày. Đồng thời, tâm lý ngắn hạn dần rơi vào vùng quá mức và nhiều cổ phiếu rơi vào trạng thái quá bán cho thấy khả năng giảm sâu được đánh giá thấp.

Mai Chi