Bài học sau những lần mua quần áo vô tội vạ xong mặc vài lần như... giẻ lau

Trúc Ly

(Dân trí) - Không vượt qua cám dỗ rồi mua về quần áo rẻ tiền, không ít chị em cảm thấy hối hận với các món mua về do sai phom dáng, chất vải quá tệ, khó dùng lâu dài, có món dùng vài lần mà như... giẻ lau.

Ngọc Diệp (TPHCM) đăng tải bài viết nhận được lượng tương tác lớn, như đánh trúng tâm lý hội chị em. Bài viết có nội dung xoay quanh việc ham mua đồ rẻ, Diệp bỏ đi quá nửa tủ đồ không thể mặc được vì phom dáng không ưng ý, đường may cẩu thả, màu sắc nhanh lỗi mốt. 

Diệp nói khoảng một năm qua, giống như rất nhiều chị em khác, cô luôn bị tác động bởi những bài quảng cáo trên mạng xã hội. Với những dòng chữ quần jeans chỉ 99.000 đồng, áo phông 99.000 đồng, bộ vest 459.000 đồng... cô nhanh tay mua mà không suy nghĩ. Kết cục nhận lại thường là những bộ đồ sai phom dáng, màu sắc không giống ảnh hoặc chất vải quá tệ, khó mà có thể dùng lâu dài. 

Bài học sau những lần mua quần áo vô tội vạ xong mặc vài lần như... giẻ lau - 1

Nhiều chị em gặp tình trạng mua sắm bất chấp, ham giá rẻ dẫn đến nhiều trang phục không mặc dù chỉ một lần (Minh họa: LHT).

Ngọc Diệp nói thương hiệu đáng sợ nhất mà cô gặp phải là Shein. Phía dưới bài đăng, nhiều chị em đồng tình với Diệp và khẳng định rằng ham rẻ mua đồ theo quảng cáo, cuối cùng nhận về một đống đồ không khác gì... giẻ lau.

Cụ thể, tài khoản Phương Mai kể cô từng mua chiếc chân váy vải linen bị xù chỉ sau 1 lần giặt đầu tiên, khác xa với quảng cáo. Như vậy, ngay sau khi mua về, Mai chỉ kịp giặt sạch và không thể mặc.

Hà Linh thì nói chiếc áo phông trị giá 99.000 đồng của cô chẳng khác nào một chiếc áo cho trẻ con. Linh lựa chọn áo cỡ M nhưng khi nhận về, phom nhỏ hơn rất nhiều so với những thương hiệu khác, vải nhiều nylon, mặc cảm giác nóng, bí, khó chịu.

Về sản phẩm đồ tập, Hà Linh nhấn mạnh hội chị em nên tìm mua sản phẩm chất lượng, không nên ham rẻ. Bởi đồ tập ôm sát cơ thể, cần lựa chọn vải co giãn, thoải mái, thay vì chỉ quan tâm đến mẫu mã. Theo Linh, việc mua sắm tràn lan không chỉ gây lãng phí cho chính bản thân mình, mà còn gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Khoảng một năm qua, Hương Lan (Hà Nội) rút kinh nghiệm sâu sắc, không mua sắm tràn lan trên mạng xã hội. Cô chỉ mua hàng từ một vài thương hiệu quen thuộc thông qua những người bán hàng mà cô đã mua quen. Các thương hiệu mà Lan lựa chọn đều là thương hiệu có tiếng, chú trọng vào đường may, kiểu dáng.

Hương Lan cho hay để tiết kiệm, cô thường mua vào những ngày giảm giá lớn của hãng. Thông qua người bán, Lan được mua với mức giá khá rẻ, có khi giảm giá lên tới 40%. 

Việc mua sắm ít lại, không chạy theo mốt, chỉ mua những mẫu quần áo đơn giản, gam màu trung tính giúp cô tối giản tủ đồ. Thay vì luôn phân vân cả tiếng không biết mặc gì, hay thường xuyên phải thanh lý quần áo vì có những bộ mặc một lần đã chán, hiện tại, Hương Lan cảm thấy khá dễ chịu vì quần áo đơn giản.

Theo Hương Lan, khi xu hướng sống tối giản, bao gồm cả tối giản trong cách ăn mặc, dần trở nên phổ biến, cô cũng học cách tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu ở những thứ không đáng và điển hình là mua sắm quần áo. "Quần áo đôi khi không cần quá đắt tiền nhưng phải phù hợp với bản thân và tạo cảm giác thoải mái khi mặc thì hãy mua", cô nói.

Bài học sau những lần mua quần áo vô tội vạ xong mặc vài lần như... giẻ lau - 2

Lê Hà Trúc là influencer theo xu hướng ăn mặc tối giản (Ảnh: Lê Hà Trúc).

Ngô Hoàng Anh - chủ shop kinh doanh thời trang online - nói những năm gần đây, lượng khách của cô có phần giảm sút. Số lượng khách mua sắm bất chấp như trước đây gần như không còn.

Hiện tại, đa phần chị em chi tiêu có tính toán, hỏi rất kỹ về sản phẩm mới mua. Nhiều người yêu cầu người bán quay video cận cảnh về chất vải, phom dáng, sau đó chọn hình thức thanh toán khi nhận hàng để đảm bảo hàng về tay là món đồ ưng ý.

Khi thói quen mua sắm của khách hàng có phần thay đổi, Hoàng Anh cũng thay đổi mặt hàng nhập về. Cô không kinh doanh những mẫu thời trang theo xu hướng, thay vào đó, cô chỉ nhập những bộ trang phục đơn giản, phù hợp với nhiều phom dáng và tông màu nhã nhặn. Như vậy, số lượng hàng tồn của Hoàng Anh giảm đi đáng kể.

Hoàng Anh kể kinh doanh thời trang trong thời buổi này phải cạnh tranh khá nhiều, từ các thương hiệu nổi tiếng thế giới, đến hàng loạt local brand (thương hiệu trong nước) và cả những thương hiệu Trung Quốc, có mặt trên sàn thương mại điện tử Taobao, 1688. Do vậy, nếu người bán không tỉnh táo, lựa chọn sản phẩm chất lượng thì tỷ lệ hàng tồn sẽ rất cao.

Theo cô, khách hàng ngày càng thông thái và có nhiều lựa chọn. Do vậy, người bán cần kinh doanh có tâm, tham khảo nhu cầu thị trường để nhập những sản phẩm phù hợp với tệp khách.