1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giới trẻ ghét túi nylon, "nghiện" đồ bảo vệ môi trường

Trúc Ly

(Dân trí) - Giỏ kéo đi chợ, túi vải, cốc cà phê cá nhân... là những món đồ được giới trẻ ngày càng ưa chuộng. Xu hướng về lối sống "nói không" với túi nylon ngày càng phổ biến trên hành trình bảo vệ môi trường.

Quỳnh Anh (Hà Nội) háo hức khoe hình ảnh về chiếc giỏ kéo mới tậu trên mạng xã hội kèm dòng trạng thái: "Từ nay có thể tự tin đi chợ và hô to "Cháu không lấy túi nylon" rồi". 

Quỳnh Anh nói cô thích đi chợ truyền thống nhưng điều khiến cô lăn tăn nhất mỗi khi đi chợ đó là nhận về quá nhiều túi nylon. Thông thường mỗi tuần, cô đi chợ một lần, thường sẽ mua rau, củ, quả, thịt, cá... đủ dùng cho một tuần tiếp theo. Với mỗi lần đi chợ như vậy, Quỳnh Anh mang về nhà không dưới 20 chiếc túi nylon đủ kích cỡ, màu sắc.

Nhìn vào "bãi chiến trường" túi nilon, Quỳnh Anh quyết định mua một chiếc giỏ kéo để sử dụng khi đi chợ. Với mức giá 700.000 đồng, cô hoàn toàn hài lòng với chất lượng sản phẩm. Giỏ làm bằng nhựa, quai kéo bằng kim loại chắc chắn. Điểm khiến Quỳnh Anh yêu thích nhất là loại giỏ này thiết kế khá trẻ trung, đẹp mắt, theo phong cách của những người nội trợ Hàn Quốc. Do đó, Quỳnh Anh ngay lập tức đăng lên mạng xã hội để kêu gọi hội chị em mua giỏ đi chợ giống như mình.

Giới trẻ ghét túi nylon, nghiện đồ bảo vệ môi trường - 1

Sử dụng giỏ kéo khi đi chợ để giảm thiểu rác thải túi nilon (Ảnh: Quỳnh Anh).

Quỳnh Anh cho biết từ khi mua giỏ kéo, cô thấy mọi thứ đều thuận tiện hơn, chưa có điều gì để chê. Ngoài việc không lấy túi nylon, khi dùng giỏ kéo, cô không phải xách nặng nên có thể mua nhiều đồ và đi chợ trong thời gian lâu hơn. Việc này giúp cô có thêm động lực đi chợ truyền thống, tìm những mặt hàng tươi ngon từ những người buôn bán nhỏ lẻ, thay vì vào siêu thị.

Phương Nhung là một "con nghiện cà phê". Gần 3 tháng nay, cô đã học thói quen sử dụng bình cà phê cá nhân thay vì nhận ly nhựa, cốc nhựa tại cửa hàng. Nhung nói có nhiều hãng cà phê đã áp dụng chính sách giảm 10.000 đồng nếu khách hàng không dùng ly một lần. 

Về cơ bản, Phương Nhung cảm thấy khá vui khi đã bỏ được thói quen sử dụng cốc nhựa, thay vào đó là cốc cá nhân, cảm giác vừa sạch sẽ, lại giúp phần nào trên công cuộc bảo vệ môi trường. 

Trên trang cá nhân, cô thường xuyên đăng tải hình ảnh về ly cà phê cá nhân và kêu gọi bạn bè hãy mua ly, không sử dụng ly một lần.

Nhận thấy nhu cầu thay đổi thói quen, góp phần tích cực trong công cuộc bảo vệ môi trường của giới trẻ ngày càng rõ rệt, Hà Ly (Hà Nội) mở cửa hàng kinh doanh những mặt hàng với thông điệp" thế giới xanh". Tại cửa hàng, cô bày bán cốc giữ nhiệt, túi vải, giỏ kéo, ốp điện thoại làm từ sợi lúa mạch, có thể tự phân hủy... và nhiều mặt hàng khác.

Hà Ly nói thời gian đầu, cửa hàng tổ chức khá nhiều sự kiện với nội dung về môi trường, bảo vệ môi trường và tác hại của việc sử dụng đồ nhựa. Sau này, khi nhiều bạn trẻ đã tiếp cận với những sản phẩm, cửa hàng của cô không cần truyền thông quá nhiều, lượng khách tự nhiên ngày một tăng.

Giới trẻ ghét túi nylon, nghiện đồ bảo vệ môi trường - 2

Helly Tống là một trong những influencer thường xuyên lan tỏa lối sống xanh (Ảnh: Helly Tống).

Hà Ly cảm thấy hạnh phúc với công việc hiện tại, không chỉ mang lại thu nhập mà còn góp phần nhỏ bé vào việc bảo vệ cuộc sống xanh.

Trên hết, cô luôn muốn tạo ra một cộng đồng những bạn trẻ kinh doanh mặt hàng giống như cô, để lan tỏa động lực sử dụng những sản phẩm có thể tái chế. Cuối cùng, Hà Ly hy vọng thế hệ trẻ sẽ ngày càng nhận thức rõ rệt tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.