Ba thương vụ mua bán “rúng động” của người Việt tại nước ngoài

(Dân trí) - Trong ba thương vụ mua lại liên quan đến người Việt Nam và người nước ngoài gốc Việt Nam "gây bão" trên thế giới chỉ có hai vụ thành công, là thương vụ mua lại Novotel Paris Eiffel Tower (Pháp) và mua thị trấn Buford (Mỹ).

Mới đây nhất, cuối tháng 5/2015, Nhật báo Le Monde, Les Echos và Đài phát thanh quốc tế Pháp RFI (Pháp) loan tin, triệu phú Pháp gốc Việt Chúc Hoàng đã chi khoảng 200 triệu euro (4.900 tỷ đồng) để mua lại khách sạn Nikko nằm giữa kinh đô hoa lệ Paris.

Ba thương vụ mua bán “rúng động” của người Việt tại nước ngoài
Khách sạn 4 sao Novotel Paris Eiffel Tower (ngoài cùng bên phải) tọa lạc ở vị trí đắc địa ở Paris (Pháp)

Đặc biệt khách sạn này có vị trí đắc địa, nằm ngay bên bờ sông Seines thơ mộng và gần với tháp Eiffel - biểu tượng của nước Pháp.

Ngay sau khi bỏ số tiền lớn mua đứt khách sạn hạng 4 sao, triệu phú gốc Việt đã đổi tên khách sạn này là Novotel Paris Eiffel Tower, đồng thời giao quyền khai thác 11 năm cho tập đoàn khách sạn số 1 Pháp là Accor Group.

Lĩnh vực nhà hàng và khách sạn là hoạt động chính của ông Chúc Hoàng, thêm nữa, ông này hiện đang có khoảng 40 công ty khắp Pháp và nước ngoài cũng hoạt động trong lĩnh vực này. Giải thích với báo chí, ông Chúc cho biết, trước khi về tay ông, Nikko đã có 10 năm thua lỗ. Vì vậy, ông muốn hợp tác với tập đoàn số 1 về hoạt động khách sạn của Pháp nhằm tận dụng kinh nghiệm để vượt qua khó khăn.

Được biết, cùng Accor Group quản lý khách sạn Novotel Paris Eiffel Tower còn có Công ty đầu tư MI29 do người con trai ông là Hoang Nicolas sở hữu.

Thương vụ mua lại khách sạn Nikko đã được ông Chúc theo đuổi từ 11 năm trước khi. Đây là khách sạn được xây dựng từ những năm 1970 bởi hãng hàng không Nhật Bản (Japanese Airlines). Nằm giữa thủ đô Pháp nên Nikko luôn là điểm dừng chân của du khách Nhật Bản khi tới Pháp và Châu Âu. Tuy nhiên, gần 10 năm trở lại đây, việc kinh doanh của khách sạn này thường xuyên thua lỗ.

Theo tạp chí Challenges, ông Chúc Hoàng hiện là 1 trong 200 triệu phú ở Pháp, trong danh sách này ông đứng vị trí thứ 167 với tài sản hơn 290 triệu euro.Năm 2014, chính triệu phú Pháp gốc Việt này đã gây rúng động nước Pháp và thế giới khi nhảy vào thương vụ mua lại 3,4 triệu cổ phiếu của công ty quản lý tháp Eiffel (STE) nhưng bất thành.

Triệu phú Chúc Hoàng quê gốc Thái Bình, ông sang Pháp năm 1961 khi mới 17 tuổi để theo học trường Đại học Bách Khoa Paris danh tiếng. Tuy nhiên, sau đó ông lại quyết định đi theo ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn, đến năm 1975 ông nhập quốc tịch Pháp.

Ngoài triệu phú Chúc Hoàng, trong giới người nước ngoài gốc Việt trên thế giới có một tỷ phú rất nổi tiếng về nghiệp vụ M&A và ông là người làm giàu từ các thương vụ mua bán sáp nhập tại Mỹ, đó là Chính E.Chu.

Tài sản của ông Chính E.Chu được ước tính khoảng 1,1 tỷ USD, ông được xem là tỷ phú thành công trong các thương vụ thây tóm đình đám tại Mỹ. Năm 2013, ông là 1 trong hai “đạo diễn” thương vụ thâu tóm "hụt" hãng máy tính nổi tiếng thế giới là Dell trị giá khoảng 25 tỷ USD của Tập đoàn tài chính Blackstone (Mỹ).

T
Tỷ phú Chính E.Chu (ngoài cùng bên trái) là tỷ phú gốc Việt thường gây chú ý thế giới vì những thương vụ mua bán, sáp nhập

Tuy thương vụ bất thành nhưng ông là người nổi danh nhờ các thương vụ mua bán sáp nhập hàng triệu USD thành công trên đất Mỹ. Năm 2007, ông này được nhiều báo chí Mỹ đưa tin khi chi 39,3 triệu đô để mua tầng 89, một phần tầng 90 và không gian trên tầng mái của tòa tháp Trump World Tower do tỷ phú bất động sản nổi tiếng Donald Trump đầu tư tại khu đất vàng Mahattan (New York - Mỹ).

Chính E.Chu là chồng của ca sĩ Hà Phương, chị em gái của ca sĩ Cẩm Ly, Minh Tuyết. Hai vợ chồng ông có 2 quỹ phúc lợi là Vietnam Relief Effort và Ha Phuong Foundation. Cả hai vợ chồng ông thường về Việt Nam tham gia các hoạt động từ thiện ở nhiều vùng quê nghèo.

Đặc biệt, nếu hai doanh nhân gốc Việt gây rúng động thế giới đều mang quốc tịch Pháp, Mỹ thì một người mang quốc tịch Việt Nam cũng gây xôn xao dư luận Mỹ và thế giới về việc mua bán. Năm 2013, ông Phạm Đình Nguyên, chủ sở hữu nhãn hàng cà phê rang xay PhinDeli và Công ty phân phối IDS đã gây rúng động báo chí Mỹ và Việt Nam khi bỏ số tiền gần 1 triệu USD để mua lại thị trấn miền trung nước Mỹ có tên là Buford.

Doanh nh
Doanh nhân Sài Gòn Phạm Đình Nguyên đã mang 1 triệu đô từ Việt Nam để làm chủ thị trấn Mỹ

Theo đó, tháng 9/2013 ông Nguyên đã giành thắng lợi trong cuộc đấu giá trước hơn 20 người để mua lại thị trấn nhỏ bé Buford. Độ chịu chơi của doanh nhân Việt Nam đều được các cơ quan báo chí lớn tại Mỹ đưa tin.

Gọi là thị trấn nhưng Buford chỉ rộng 10ha và là thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ thuộc bang miền trung Wyoming. Đây cũng là thị trấn có số dân số 1 người và cơ sở vật chất chỉ gồm một trường học, một trạm xăng, một tháp phát sóng thông tin di động, vài căn nhà nhỏ và một tiệm tạp hóa kiêm cà phê.

Dù nhỏ nhưng Buford có tuổi đời 150 năm và trước khi vào tay triệu phú người Việt, Buford thuộc sở hữu của ông Don Sammons - 61 tuổi từ năm 1980. Trước năm 2012, Buford từng là nơi định cư của 2.000 người.
 
Tuy nhiên, từ khi tuyến tàu hỏa đi qua đây đóng cửa, người dân cũng lần lượt chuyển đi và chỉ còn lại ông thị trưởng duy nhất. Buford cũng là điểm dừng chân lý tưởng của nhiều người dân Mỹ trên hành trình đến với hai thành phố San Francisco, Los Angeles bang Califonia (Mỹ).

Ngay sau khi mua đứt thị trấn Mỹ, “thị trưởng” Phạm Đình Nguyên đã đổi tên Buford thành PhinDeli - tên của nhãn hàng cà phê rang xay của ông này tại Việt Nam. Theo lý giải của ông này, PhinDeli có nghĩa là “cà phê phin ngon”. Mục đích mua và đổi tên thị trấn PhiDeli của ông này nhằm để quảng bá các sản phẩm ẩm thực và văn hóa Việt Nam đến Mỹ. Hiện ông Nguyên là người Việt duy nhất sở hữu một thị trấn tại Mỹ.

Nguyễn Tuyền
Tổng hợp