APEC 2017: Việt Nam thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm do thiên tai

(Dân trí) - “Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Thiệt hại trung bình mỗi năm có trên 300 người chết và mất tích do thiên tai, thiệt hại vật chất lên đến hàng tỷ USD”.

Ông Trần Quang Hoài - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã chia sẻ thông tin trên tại Cuộc họp Nhóm công tác chuẩn bị ứng phó khẩn cấp lần thứ 11 (EPWG - 11) nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cấp cao APEC 2017 (SOM 1) và các cuộc họp liên quan đang diễn ra tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Cuộc họp Nhóm công tác chuẩn bị ứng phó khẩn cấp của APEC vừa diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/2
Cuộc họp Nhóm công tác chuẩn bị ứng phó khẩn cấp của APEC vừa diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/2

Tại EPWG - 11, Việt Nam xác định tham gia đầy đủ và có trách nhiệm để cùng chia sẻ thông tin và các kinh nhiệm đúc rút từ công tác phòng, chống thiên tai nhiều đời nay; đồng thời, học tập kinh nghiệm từ các nền kinh tế APEC có chung mối quan tâm trong công tác phòng, chống, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Đại diện nền kinh tế chủ nhà, Phó Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài chia sẻ đến các thành viên EPWG: “Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Thiệt hại trung bình mỗi năm có trên 300 người chết và mất tích do thiên tai, thiệt hại vật chất lên đến hàng tỷ đô la Mỹ.


Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (ảnh: người dân vật lộn với sóng gió chống chọi thực trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại ở Quảng Nam)

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (ảnh: người dân vật lộn với sóng gió chống chọi thực trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại ở Quảng Nam)

Trong năm 2016 đã có 17 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông gây thiệt hại nặng nề cho đất liền; sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi; dông, lốc, sét xảy ra ở các vùng miền trên cả nước. Đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục kéo dài từ cuối năm 2015 đến 2016 khiến nhiều diện tích đất sản xuất, gần 300.000 hộ dân thiếu nước ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây nguyên. Tiếp đó là 5 đợt mưa lũ lớn diễn ra liên tiếp ở các tỉnh miền Trung. Đã có 264 người chết và mất tích, hơn 5.000 nhà bị đổ, sập, trôi... do thiên tai. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng gần 40.000 tỷ đồng”

Đại diện nền kinh tế chủ nhà Việt Nam cũng chia sẻ, trên thực tế, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực của toàn dân và chính quyền các cấp, Việt Nam đã từng bước chủ động, triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, nhất là hoàn thiện, bổ sung hệ thống luật pháp, chính sách về phòng, chống thiên tai. Qua đó, thiệt hại về người và tài sản trong 5 năm 2011-2015 đã giảm đáng kể, số người chết và mất tích giảm 53%, thiệt hại vật chất giảm 32% so với giai đoạn 2006-2010.

Kéo dài trong hai ngày 18 và 19/2, tại cuộc họp Nhóm EPWG - 11, các nền kinh tế thành viên APEC đã chia sẻ thông tin về thiên tai trong khu vực và các kinh nghiệm ứng phó khẩn cấp với thiên tại. Trong đó, Việt Nam kiến nghị Nhóm EPWG cần ưu tiên tăng cường thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác ứng phó khẩn cấp liên vùng đối với hiện tượng thiên tai bình thường mới - “New Normal Natural Disaster” - tại các nền kinh tế APEC.

Được biết tại các cuộc họp nhóm tiếp theo trong năm APEC 2017, Nhóm EPWG dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận để đóng góp các khuyến nghị vào Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với Biến đổi khí hậu; Xây dựng sáng kiến chung về “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai “Bình thường mới” thông qua thúc đấy đổi mới khoa học, công nghệ trong Phòng, chống thiên tai trình lãnh đạo các nền kinh tế năm 2017.

Khánh Hiền