Áp lực tỷ giá, "cá mập" rút tiền khỏi chứng khoán

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Khối ngoại liên tục bán ròng từ năm 2024 và tiếp diễn từ đầu năm đến nay. Áp lực tỷ giá cùng sự dịch chuyển dòng vốn có thể là nguyên nhân của hiện tượng này.

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), tính đến ngày 18/2, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 13.317 tỷ đồng.

Đà bán ròng của khối ngoại đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Vào năm 2024, nhóm này bán ròng kỷ lục 3,5 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử ngành chứng khoán Việt Nam.

Khối ngoại liên tục bán ròng trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều điểm sáng tích cực. Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng 8%, đẩy mạnh đầu tư công, tăng trưởng tín dụng sẽ hỗ trợ cho dòng tiền, nhiều ngành nghề kinh doanh khởi sắc. Ngành chứng khoán cũng đang đứng trước nhiều câu chuyện tăng trưởng mạnh mẽ như nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, áp lực tỷ giá cùng sự dịch chuyển dòng vốn có thể là nguyên nhân khiến khối ngoại liên tục bán ròng trong nhiều tháng trở lại đây.

Áp lực tỷ giá, cá mập rút tiền khỏi chứng khoán - 1

Khối ngoại bán ròng liên tiếp từ đầu năm tới nay (Ảnh minh họa: ChatGPT).

Bên lề một sự kiện gần đây, ông Trịnh Hoài Giang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) - nhận định đồng VND cũng giống như các đồng tiền khác chịu sức ép giảm giá so với đồng USD. Đây là hiện tượng toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Nếu Mỹ tăng thuế với Trung Quốc thì đồng VND sẽ chịu sức ép mất giá.

Ông Giang cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã quản lý tỷ giá tốt trong năm 2024, lạm phát dưới 4% có thể chấp nhận được. Năm nay, ông kỳ vọng lạm phát khoảng 3-4%, có thể đồng VND mất giá một chút nhưng lạm phát không tăng.

Với diễn biến trên thị trường chứng khoán, ông Giang dự đoán nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục bán ròng. Năm ngoái, khối ngoại bán ròng hơn 3,5 tỷ USD thì năm nay có thể bằng một nửa số đó nhưng không tạo sức ép quá lớn lên đồng VND.

Cũng chia sẻ bên lề, ông Kang Moon Kyung - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam - nói đồng USD mạnh là một trong những lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng và chuyển sang thị trường khác. Tuy nhiên, đồng USD đang có dấu hiệu yếu đi, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đa dạng hóa đầu tư sang các thị trường khác Việt Nam.

Tuy nhiên, vị này cho rằng việc bán ròng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà cả Hàn Quốc hoặc một số nước khác. Vị thế đồng USD sẽ thay đổi từ năm nay, khi đồng USD hạ giá, các nhà đầu tư nước ngoài phải đa dạng hóa vị thế đầu tư và cũng có dòng tiền mới tìm tới Việt Nam.

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) - nhìn nhận giai đoạn Trump 1.0, trong thời gian đầu, khi chưa đưa ra chính sách thuế quan, thị trường có sự bình yên trong khoảng 1 năm.

Đến tháng 3/2018, khi ông Trump áp dụng chính sách thuế quan đầu tiên thì đồng tiền của những thị trường bị ảnh hưởng như Trung Quốc, Việt Nam bắt đầu mất giá. Gần như khi nào có thông tin mới về thuế quan, tỷ giá đều biến động mạnh.

Đến nay, khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, có hai giai đoạn tỷ giá tăng nhanh là tháng 9-12 /2024 khi ông tranh cử và giành chiến thắng, sau đó đến tháng 1-2 năm nay, khi ông tuyên bố áp thuế Canada, Mexico và 25% với thép và nhôm. Hai lần ông Trump đưa ra chính sách thuế thì tỷ giá USD/VND đều tăng.

Lường trước những nhiễu động về tỷ giá, ngay đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã nới tỷ giá trung tâm lên mức cao nhất. Thêm vào đó, Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, nới lỏng tài khóa và tiền tệ, có thể tạo áp lực lên tỷ giá. Vì thế, tỷ giá có thể biến động, tăng khoảng 3%.

Tuy nhiên, tỷ giá sẽ không còn quá ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán như năm 2024. Việt Nam đang chấp nhận tỷ giá cao hơn, lạm phát nóng hơn nhưng đổi lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng, ông Sơn nói.