Áp lực bủa vây, tiền điện tử liệu còn sức bứt phá?
(Dân trí) - Cảnh báo hạn chế giao dịch và khai thác bitcoin hồi đầu tháng của Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất cho thấy tiền điện tử đang đối mặt với khó khăn lớn hơn việc bị Elon Musk và Tesla quay lưng.
Tuần trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tuyên bố cần phải kiểm soát hành vi khai thác và giao dịch bitcoin nhằm ngăn chặn các rủi ro cá nhân bị chuyển vào các lĩnh vực xã hội.
Sau động thái này, bitcoin đã bị đánh gục, có thời điểm mất gần 50% so với mức đỉnh. Trong khi đó, đồng ether cũng xuống mức thấp nhất trong 2 tháng.
Không chỉ Trung Quốc, cuối tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết sẽ yêu cầu báo cáo các giao dịch tiền ảo có trị giá từ 10.000 USD trở lên. "Tiền điện tử đã tạo điều kiện cho hoạt động bất hợp pháp trên diện rộng, bao gồm cả trốn thuế", thông cáo của Bộ này cho hay.
Tại Đức, giới đầu tư đang dõi theo vụ việc Cơ quan quản lý thị trường tài chính BaFin cảnh báo sàn giao dịch Biance vi phạm quy tắc bảo mật.
Các nhà quan sát tại châu Á cho biết, trong khi các nhà quản lý nhiều nước đang loay hoay tìm cách giám sát đối với lĩnh vực này thì Hồng Kông và Singapore đã thực hiện điều này từ nhiều năm nay.
Cả hai trung tâm tài chính này trong nhiều năm đã điều chỉnh các cách để khai thác thị trường tiền điện tử béo bở này trong khi chống rửa tiền, trốn thuế và tài trợ khủng bố.
Ông Antonio Fatas - giáo sư kinh tế học tại Insead - cho rằng việc quản lý giám sát đối với tiền điện tử trên toàn cầu tăng cao diễn ra trong bối cảnh lo ngại biến động của loại tiền tệ này có thể gây rủi ro cho sự ổn định tài chính.
Đây cũng là quan điểm mà ông Jerome Powel - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nêu ra trong tuần trước rằng cần phải có các quy định mạnh hơn đối với tiền số.
Ông Fatas cho rằng, ngày càng có nhiều vụ tin tặc đòi tiền chuộc bằng tiền điện tử. Đây cũng là lời cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của đồng tiền không được quản lý này.
"Chắc chắn hai sự việc này sẽ khiến tiền điện tử bị tăng cường quản lý hơn", ông nói và cho biết, hiện một số quốc gia đã bắt đầu ra quy định đối với các sàn giao dịch và trung gian tiền điện tử.
Điều này bao gồm cả Singapore, nơi các cuộc thảo luận về việc thắt chặt các quy định về tài sản kỹ thuật số đã được bắt đầu từ vài năm trước.
Năm 2018, cựu Phó Thủ tướng Tharman Shanmugaratnam cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của tiền điện tử. Cơ quan tiền tệ Singapore đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển và những rủi ro của loại tiền này.
Năm 2019, Singapore là một trong số ít các cơ quan quản lý dịch vụ tài chính đầu tiên trên thế giới đưa ra khung khổ pháp lý cho dịch vụ thanh toán kỹ thuật số. Đến năm 2020, nước này cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền điện tử phải được cấp phép mới được hoạt động. Các sàn giao dịch và khai thác tiền điện tử phải chịu sự giám sát của ngân hàng trung ương Singapore.
Tháng 1 năm nay, Singapore còn ban hành một dự luật yêu cầu việc trao đổi hoặc lưu trữ tiền điện tử phải được cấp phép.
Trong khi đó, Hồng Kông cũng đang thắt chặt hơn nữa đối với các loại tiền ảo. Cục Tài chính và Dịch vụ Tài chính Hồng Kông đã công bố kết luận về các đề xuất tăng cường các quy định tài trợ chống rửa tiền và chống khủng bố. Theo đó, Hồng Kông đã đề xuất phạt 5 triệu HKD và phạt tù lên đến 7 năm nếu không tuân thủ các quy định và hoạt động giao dịch tiền ảo không phép. Chính quyền Hồng Kông cũng xác nhận sẽ cấm các nền tảng được cấp phép nếu phục vụ các nhà đầu tư bán lẻ.
Bà Lim Yee Fen - Phó giáo sư luật kinh doanh tại Đại học Công nghệ Nanyang - cho rằng cả hai thành phố quản lý các loại tiền kỹ thuật số với cách tiếp cận thận trọng và lưu ý đến rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Ông Joel Shen, một đối tác của công ty luật toàn cầu Withers, cũng cho rằng Singapore và Hồng Kông đã thực hiện một cách tiếp cận cân bằng khi đưa ra các khuôn khổ quy định mà không cản trở sự đổi mới.
Tuy nhiên, mỗi nước sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Ví như Trung Quốc nhằm vào các hoạt động khai thác tiền điện tử vì chúng tiêu hao quá nhiều năng lượng. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu lại xem xét các rủi ro lớn hơn về tham nhũng và các hoạt động bất hợp pháp.
Bởi điều dẫn đến sự khác biệt lớn đó là khối lượng giao dịch tiền điện tử. Tại Singapore, quy mô thị trường tiền điện tử vẫn còn nhỏ so với chứng khoán, chỉ bằng 2%.
Ngoài ra, Singapore và Hồng Kông khác với hầu hết các thành phố lớn khác ở chỗ là các nền kinh tế nhỏ, mở và phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế.
Trong khi đó, Mỹ, EU và Trung Quốc, chính sách tiền tệ đóng vai trò ít quan trọng hơn. Sự khác biệt này có thể dẫn đến các chính sách không đồng nhất về tiền điện tử.
Mặc dù giá của các loại tiền ảo này có thể lao dốc sau các quy định nghiêm ngặt này, nhưng giới đầu tư nhỏ lẻ vẫn cho rằng, cần có các quy định thắt chặt hơn đối với thị trường này.