1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thanh Hóa:

Anh nông dân “khùng” bỏ nhà ra đồng làm trang trại thu tiền tỷ

(Dân trí) - Đang có nghề nghiệp ổn định, kiếm ra tiền nhưng anh lại quyết định chọn ngã rẽ cho mình khi đứng ra nhận thầu đất giữa cánh đồng không mông quạnh để đầu tư xây dựng mô hình trang trại. Đã có những lúc thất bại, mất hàng trăm triệu đồng, nhưng anh quyết không bỏ cuộc và giờ đây, một trang trại đã hình thành trên vùng đất vốn bị bỏ hoang.

Sơn “khùng”

Nhắc đến niềm vinh dự là một trong 70 công dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa về sản xuất giỏi thì nhiều người mới biết đến, nhưng đã từ lâu, cái tên Đỗ Xuân Sơn (SN 1971, ở thôn 9, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân) làm mô hình kinh tế thì đã “nổi như cồn” ở vùng đất Thọ Xuân, Thanh Hóa.


Khi quyết định làm mô hình trang trại này, nhiều người cho anh Sơn là bị khùng

Khi quyết định làm mô hình trang trại này, nhiều người cho anh Sơn là bị khùng

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân địa phương “ưu ái” đặt cho anh biệt danh Sơn “khùng”. Khi được hỏi về cái biệt danh này, người đàn ông ngoại tứ tuần nở nụ cười rồi hướng mắt nhìn về những ruộng cây xanh mướt mà trước đây là vùng đất lầy lội, cằn cỗi cho không ai buồn nhận. Cái quyết định lạ lùng của anh khi đứng ra thầu đất để làm trang trại khiến không ít người ngạc nhiên, không nghĩ anh sẽ thành công trên mảnh đất này và nghĩ anh bị khùng. Nhưng giờ đây, anh thường xuyên phải bận rộn với những đoàn khách đến tham quan học hỏi mô hình trang trại trồng cây ăn quả của anh.

Để có được cái cơ ngơi như hiện nay, anh Sơn “khùng” đã phải đối diện với không ít những gian nan, vất vả, thậm chí cả thất bại. Vốn nhiều năm gắn bó với nghề kinh doanh vận tải cũng gọi là có đồng ra, đồng vào. Công việc tuy thuận lợi, nhưng đùng một cái, anh quyết định chọn cho mình một hướng đi khác khi về đầu tư làm mô hình kinh tế nông nghiệp. Với nhiều người thì điều đó là khó hiểu, nhưng với anh Sơn thì lý do cũng thật đơn giản khi nghĩ về cảnh suốt ngày phải “mài” mình trên đường khiến anh cảm thấy cái nghề không thể gắn bó lâu dài được.

Quyết định chuyển đổi nghề đã khiến nhiều người, nhất là người thân trong gia đình ngạc nhiên, nhưng càng khó tin hơn khi anh chọn một cánh đồng trũng thấp của xã Xuân Trường, bị bỏ hoang lâu nay để phát triển mô hình trang trại.

Vì là “vùng đất khó” nên lâu nay dường như chẳng mấy ai ngó ngàng đến, rồi anh Sơn xin thuê lại 2,2 ha. “Nhìn cánh đồng vốn hoang hóa, đất đai cằn cỗi lại nằm xa ngoài làng nên không ai nhận làm. Khi biết tôi thầu lại, có người còn gọi tôi là thằng khùng thuê đất ở đây thì làm được gì”, anh Sơn chia sẻ. Mặc dù vậy anh Sơn vẫn quyết tâm bắt tay vào thực hiện đam mê của mình.

Từ anh “khùng” đến thu tiền tỷ

Sau khi thầu được đất, ban đầu anh Sơn dự định triển khai mô hình nuôi lợn. Tuy nhiên, nhận thấy thị trường bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường nên anh quyết định chuyển hướng sang nuôi gà Đông Tảo với quy mô trên 1.000 con, đồng thời tiến hành trồng cùng lúc 1.200 gốc cam vinh và 2.000 cây cam đường canh.

Sau bao năm lăn lộn vất vả, giờ đã đến lúc anh thu về thành quả cho mình
Sau bao năm lăn lộn vất vả, giờ đã đến lúc anh thu về thành quả cho mình

Cứ tưởng khởi đầu thuận lợi để mong tìm được sự đồng thuận của người thân và thay đổi cái nhìn của những người xung quanh, nhưng “vạn sự khởi đầu nan” khi mùa đầu tiên, toàn bộ cây cam Đường canh phát triển còi cọc đành phải nhổ đi khiến anh thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Không chịu bỏ cuộc, anh Sơn tìm tòi nghiên cứu nhiều tài liệu, sách báo cũng như đi tham quan, học hỏi tại các mô hình trồng cây ăn quả để tích lũy kinh nghiệm.

“Mới đầu cứ nghĩ bỏ công sức ra là được, đúng là muốn thành công phải mất học phí, cái gì cũng cần trải qua quá trình chứ không tự nhiên mà đạt được. Mình cứ suy nghĩ có vấp ngã mới có thành công, nên không từ bỏ ý định và cứ thế vừa học vừa làm”, anh Sơn chia sẻ.

Sau thất bại ban đầu, anh Sơn rút kinh nghiệm không đầu tư tập trung mà trên diện tích ấy, anh trồng nhiều loại cây ăn quả như cam vinh, cam đường canh, chanh đào, bưởi da xanh, bưởi đào, ổi, mít thái..., ngoài ra anh còn tận dụng thêm quỹ đất làm chuồng, nuôi hàng trăm cặp chim bồ câu để có thêm thu nhập.

Chưa bằng lòng với những gì đang có, đến đầu năm 2015, anh Sơn tiếp tục thuê và mở rộng mô hình trang trại của mình lên gần 6ha. Để nâng cao năng suất cây trồng và giảm bớt sức lao động, anh Sơn quyết định đầu tư, lắp đặt công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại hàng đầu của Israel.

Đứng nhìn cơ ngơi với những vườn cây ăn quả xanh ngút ngàn đang thời kỳ ra hoa, kết trái, ít ai biết rằng, anh Sơn đã phải đầu tư gần 4 tỷ đồng, đó là chưa kể công sức, mồ hôi bao năm trời đổ xuống cánh đồng để hình thành lên được mô hình mà lúc đầu, nhiều người cho anh là khùng, là dở người này.

Nhiều người tìm đến tham quan, học hỏi mô hình sản xuất của anh Sơn
Nhiều người tìm đến tham quan, học hỏi mô hình sản xuất của anh Sơn

Để có tiền đầu tư, anh đã phải bán đất ở, bán xe và may mượn ngân hàng, cùng với đó là sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành của huyện Thọ Xuân. Đất không phụ người, trồng cây cũng đến ngày hái quả, tháng 10/2016, mô hình của anh Sơn bắt đầu cho thu hoạch. Vụ đầu tiên, anh Sơn đã bán được khoảng 7 tấn cam vinh, gần 10 tấn cam đường canh và hơn 20 tấn chanh đào..., trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, anh đã thu về khoảng 700 triệu đồng lợi nhuận.

Hiện tại diện tích mô hình trang trại của anh Sơn là gần 6ha. Trên diện tích đó, anh đã trồng được 1.200 gốc cam vinh, 2.000 gốc cam đường canh, 1.600 gốc bưởi đào, 2.000 gốc chanh đào, 200 gốc bưởi da xanh, 100 đôi chim bồ câu ta... Với những gì đang có, mỗi năm thu nhập tiền tỷ từ mô hình là điều không khó với anh Sơn.

Duy Tuyên