1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

An ninh lương thực: Không thể “đùa”!

An ninh lương thực (ANLT) luôn là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, nhất là trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp. Vấn đề đặt ra là làm sao để bảo đảm ANLT nhưng vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu gạo mong muốn.

An ninh lương thực: Không thể “đùa”! - 1
Cần có những tính toán khoa học, hợp lý để cân đối lượng
gạo dùng đảm bảo an ninh lương thực và gạo xuất khẩu.
 
Mơ hồ!

Lâu nay, ANLT được tính toán trên cơ sở lấy nhu cầu tiêu thụ lương thực bình quân đầu người/tháng nhân với tổng số dân, cộng thêm khoản dự phòng thiên tai, dịch bệnh nông nghiệp... Sau đó, từ sản lượng mùa vụ dự báo, các chuyên gia sẽ tính toán để trừ ra khoản dành cho ANLT, làm lúa giống,... rồi mới dành khoản dôi ra dành cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học, cách tính toán như vậy đã lạc hậu, không sát với thực tế. Đơn cử, theo tiêu chí mà các chuyên gia tính toán, lượng gạo cần dành lại để đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân lên đến 13 ki lô gam/người/tháng.

Trong khi, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, con số đó là quá nhiều khi người Việt Nam gần đây đã thay đổi tập quán ăn uống.

Cụ thể, theo số liệu từ năm 2000 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng gạo bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ chỉ đạt 397,3 gam/ngày, tức chỉ hơn 11,9 ki lô gam/người/tháng! Vì vậy, chỉ riêng khoản dự phòng quá lố để đảm bảo ANLT đã khiến phần gạo dành để xuất khẩu mất trên dưới một triệu tấn/năm.

Ngoài ra, cách tính toán để xác định lượng lúa làm giống, sử dụng chế biến thức ăn chăn nuôi và tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch hiện cũng đã lạc hậu. Do đó, con số cụ thể sát với thực tế nhất về ANLT, hiện vẫn chưa ai dám đảm bảo và những con số đưa ra thường cao hơn thực tế cho “chắc ăn”.

Như hồi giữa tháng 2-2009, theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau khi rà soát lại các hợp đồng xuất khẩu đã ký thì lượng gạo phải giao trong sáu tháng đầu năm lên đến khoảng 3,6 triệu tấn.

Theo VFA, với số lượng gạo này rất khó xoay xở để giao, thậm chí vượt mức cân đối ANLT nếu để các doanh nghiệp ký thêm hợp đồng. Do đó, VFA đã báo cáo Chính phủ và ngay sau đó đã ban hành Công văn số 48, “đóng khung” lượng gạo phải xuất trong sáu tháng.

Tuy nhiên, sau đó các doanh nghiệp đã lỡ ký vượt đến 345.000 tấn. Lúc đầu chính VFA và các thành viên tổ điều hành xuất khẩu gạo đã không dám giải quyết vì lo ngại vấn đề ANLT nhưng rốt cuộc, số gạo này vẫn được xuất!

Điều này cho thấy, con số gạo dành cho ANLT dường như quá mơ hồ và có thể tăng hay giảm, dù sản lượng lúa thu hoạch không tăng so với dự báo hồi đầu vụ đông xuân vừa qua!

Điều quan trọng nhất là số gạo dành cho ANLT dù có tính toán ra, được xem là rất quan trọng, nhưng chưa được giao cho một tổ chức, doanh nghiệp nào chịu trách nhiệm để tung ra khi cần mà nằm rải rác trong nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu... nên không thể huy động cùng lúc khi cần.

Chẳng hạn hồi tháng 4/2008, khi có tin đồn về khan hiếm gạo, nếu lượng gạo dành cho ANLT được trữ sẵn trong kho và được thông tin kịp thời thì đã không có chuyện sốt giá.

Phải thấy được, sờ được

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, điều cần làm trước tiên là các chuyên gia nên nắm lại số liệu thực tế, thống nhất về nhu cầu tiêu thụ lương thực, nhu cầu giống... để tính toán chính xác số gạo đảm bảo ANLT. “Sau đó, số gạo này cần được giao cho các tổng công ty lương thực thu mua, tích trữ”, ông nói.

Tại cuộc họp Hội đồng quản trị mở rộng của VFA tổ chức hồi cuối tháng 4-2009, ông Cao Minh Lãm, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu An Giang, cũng đề xuất cần có chính sách về vốn và giao cho Tổng công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc thu mua lúa, gạo nhằm đảm bảo ANLT.

Con số mà ông đưa ra là từ 100.000-200.000 tấn. Khi gạo ANLT đã đảm bảo nằm trong kho, các doanh nghiệp sẽ được cởi bỏ hạn ngạch, chỉ tiêu... và chấm dứt được tình trạng bị động, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân như lâu nay.

Ông Xuân cho biết, nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ... đã làm theo cách này từ lâu. Nhờ vậy Thái Lan mỗi năm xuất 9-10 triệu tấn gạo nhưng vẫn không lúng túng trong công tác điều hành.

“Tại Thái Lan, Bộ Thương mại sẽ mua lúa của dân, khi giá cao vẫn mua và giữ lại để điều tiết thị trường cũng như đảm bảo ANLT. Còn ở Ấn Độ, họ mua trữ và sau một năm mới tung gạo cũ ra bán và thay thế bằng gạo mới. Nhà nước phải lo vấn đề này!”, ông nói.

Chỉ riêng tại Tổng công ty Lương thực miền Nam, sức chứa của riêng hệ thống silo, kho chứa đã ở mức 0,8 - 0,9 triệu tấn. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai đề án đầu tư, cải tạo và xây dựng thêm nhằm đảm bảo trữ đến 4 triệu tấn gạo.

Do đó, việc đảm bảo cố định từ 100.000 - 200.000 tấn gạo luôn trong kho không phải là vấn đề khó. Trước mắt, với đặc thù hệ thống silo, kho chứa chưa đảm bảo quy cách, có thể chỉ cần trữ gạo khoảng sáu tháng, lúa khoảng một năm, sau đó bán ra đổi lại lúa, gạo mới.

Trước đây, một số doanh nghiệp từng đề xuất cách làm này nhưng chưa được thống nhất, có lẽ do ngại vấn đề vốn. Nhưng với tối đa 200.000 tấn, với giá gạo hiện nay khoảng 400 đô la Mỹ/tấn thì Chính phủ chỉ cần rót khoảng 80 triệu đô la Mỹ. Như vậy, nếu quy theo dân số Việt Nam hiện nay thì để đảm bảo ANLT, mỗi người dân chỉ cần bỏ ra trên dưới 1 đô la Mỹ!

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, cho rằng ANLT là làm sao đủ lương thực cho xã hội để không ai bị đói và người làm ra lương thực không bị nghèo đi.

Do đó, nếu đảm bảo ANLT theo cách Chính phủ mua trữ như đề xuất sẽ giải quyết hài hòa cả hai vấn đề: lương thực cho xã hội luôn đảm bảo trong kho và nông dân không phải “la làng” khi giá gạo thế giới lên nhưng doanh nghiệp không được xuất chỉ vì ANLT!

Theo Hồ Hùng
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm