“Ăn đậm” với cổ phiếu ngành dược trong dịch cúm, giới đầu tư ồ ạt chốt lời
(Dân trí) - Khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, ổn định trở lại, giới đầu tư đã tiến hành chốt lời ồ ạt tại các mã cổ phiếu ngành dược để thu về “tiền tươi thóc thật”.
Trải qua rung lắc mạnh, cuối cùng, sắc xanh cũng đã về lại với thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch 4/1. VN-Index đóng cửa với mức tăng 0,95 điểm tương ứng 0,1% lên 929,09 điểm; HNX-Index tăng 1,26 điểm tương ứng 1,25% lên 102,57 điểm và UPCoM-Index tăng 0,37 điểm tương ứng 0,67% lên 54,74 điểm.
Thanh khoản đạt 197,68 triệu cổ phiếu tương ứng 3.941,55 tỷ đồng trên HSX và 29,8 triệu cổ phiếu tương ứng 291,59 tỷ đồng trên HNX. Trên thị trường UPCoM, khối lượng giao dịch đạt 8,6 triệu đơn vị tương ứng 122,57 tỷ đồng.
Lúc này, lần đầu tiên kể từ sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý, trên thị trường, số mã tăng giá ngang ngửa với số mã giảm. Theo thống kê, toàn thị trường có 307 mã tăng, 40 mã tăng trần so với 301 mã giảm và 47 mã giảm sàn.
Tiền đổ mạnh vào cổ phiếu ngân hàng và theo đó, nhóm “ông lớn” trong ngành này trở thành "công thần" của VN-Index trong ngày hôm qua.
Cụ thể, CTG tăng trần lên 26.900 đồng và trở thành mã có đóng góp lớn nhất cho chỉ số với 1,89 điểm. VCB đóng góp 1,19 điểm và BID cũng đóng góp 1,05 điểm cho VN-Index. Bên cạnh đó, top 10 mã ảnh hưởng còn có VPB, MBB, TCB, HDB.
Ngoài cổ phiếu ngân hàng, VJC và VHM cũng có một phiên thể hiện tốt với mức tăng rất tích cực. VJC tăng 3.500 đồng lên 129.000 đồng và VHM tăng 500 đồng lên 85.700 đồng.
Chiều ngược lại, trong ngày hôm qua, SAB, GAS, VRE, POW giảm giá và phần nào đã gây chướng ngại cho đà phục hồi của VN-Index trong phiên.
Trên sàn HNX, ACB và SHB là những mã có ảnh hưởng chi phối đến cục diện thị trường. Hai mã này lần lượt đóng góp 0,98 điểm và 0,44 điểm cho VN-Index.
Cổ phiếu ngành dược phẩm trong những phiên trước tăng sốc thì hôm qua đã bắt đầu bị nhà đầu tư chốt lời mạnh. DHG của Dược Hậu Giang giảm sàn 1.600 đồng xuống còn 101.000 đồng; DVN của Tổng công ty Dược Việt Nam giảm 1.600 đồng tương ứng 11% xuống 12.900 đồng.
IMP của Imexpharm cũng sụt mất 1.700 đồng tương ứng 3% còn 54.300 đồng; DMC của Domesco giảm 1.500 đồng tương ứng 2,1% còn 71.500 đồng. DHT của Dược Hà Tây giảm sàn 5.800 đồng tương ứng 9,9% còn 53.000 đồng.
AMV của Thiết bị y tế Việt Mỹ giảm 1.500 đồng tương ứng 6,8% còn 20.500 đồng. DP3 của Dược phẩm Trung ương 3 cũng giảm tới 3.000 đồng tương ứng 4,1% còn 71.000 đồng và VMD của Vimedimex giảm 1.600 đồng tương ứng 6,7% còn 22.300 đồng.
Tuy vậy, do tỷ trọng cổ phiếu ngành dược ở mức nhỏ nên diễn biến giảm giá sâu tại cổ phiếu ngành này trong phiên hôm qua không gây tác động lớn lên VN-Index. Có vẻ như thị trường đã lấy lại được quỹ đạo cũ, tâm lý nhà đầu tư đã hồi phục trở lại.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index dự báo sẽ tiếp tục hồi phục và hướng đến thử thách vùng kháng cự quanh 936 điểm trong phiên hôm nay (5/1). Nếu đóng cửa trên ngưỡng điểm này trong phiên hôm nay, chỉ số sẽ có cơ hội hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 942-945 điểm.
Theo BVSC, sau nhịp sụt giảm mạnh, đà giảm của thị trường dự kiến sẽ chậm lại và có thể xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật đan xen. Tuy nhiên, do áp lực giảm điểm ngắn hạn của thị trường vẫn đang hiện hữu nên nhóm phân tích cũng lưu ý đến khả năng quay đầu giảm điểm trở lại của chỉ số tại các vùng kháng cự nếu trên.
Chuyên gia BVSC khuyên nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng lớn vẫn nên tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng.
Do rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn đang hiện hữu nên nhà đầu tư cần hạn chế các hoạt động mua đuổi giá cao khi thị trường hồi phục mạnh. Nhà đầu tư có vị thế tiền mặt lớn có thể giải ngân với tỷ trọng thấp ở một số nhóm cổ phiếu như ngân hàng, thép và một vài các cổ phiếu bluechips cơ bản tốt nhưng giá giảm mạnh trong nhịp vừa rồi.
Mai Chi