1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cổ phiếu ngành dược “sốt giá” giữa dịch cúm virus corona

(Dân trí) - Nếu như ở nhiều nơi, người dân đổ xô đi mua khẩu trang để phòng dịch cúm corona thì trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cũng “tranh cướp” cổ phiếu ngành dược và nhiều mã trong ngành theo đó tăng giá kịch trần.

Phiên giao dịch chiều 31/1 đã diễn ra vô cùng bất lợi. Áp lực bán mạnh đẩy các chỉ số tiếp tục giảm sâu. VN-Index ghi nhận mất tới 22,96 điểm tương ứng 2,39% còn 936,62 điểm. Còn HNX-Index cũng mất 1,75 điểm tương ứng 1,68% còn 102,36 điểm. Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,6 điểm tương ứng 1,07% còn 55,13 điểm.

Tuy vậy, trong phiên này, thanh khoản được đẩy lên cao khi xuất hiện một số nhà đầu tư bắt đáy. Với việc tích cực gom mua cổ phiếu giảm giá, dòng tiền chảy vào sàn HSX đạt 4.886,84 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 253,94 tỷ đồng.

Trên HNX, khối lượng giao dịch nhảy vọt lên 47,49 triệu cổ phiếu tương ứng 485,89 tỷ đồng. Đây là những con số rất hiếm thấy trên sàn này. Thị trường UPCoM hôm qua cũng ghi nhận có 12,02 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 139,99 tỷ đồng.

Thị trường bị bao trùm bởi sắc đỏ. Theo thống kê, tổng cộng có đến 474 mã cổ phiếu giảm giá, 95 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 179 mã tăng và 45 mã tăng trần.

Cổ phiếu ngành dược “sốt giá” giữa dịch cúm virus corona - 1

Hơn 470 mã cổ phiếu giảm giá trên thị trường chứng khoán ngày 31/1 khiến VN-Index "thủng mốc" 940 điểm

Điều đáng nói là trong nhóm cổ phiếu giảm sàn và giảm sâu có nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn. Với 21 trên 30 mã giảm, chỉ số VN30-Index đánh mất tới 27,19 điểm tương ứng 3,1% và trong số này có 4 mã giảm sàn là VNM, VJC, GMD, DPM.

Cụ thể, VNM giảm sàn 8.100 đồng xuống 108.500 đồng, không có dư mua cuối phiên, dư bán sàn còn gần 76 nghìn đơn vị. VJC tương tự giảm sàn 9.800 đồng còn 130.200 đồng, dư bán sàn cuối phiên còn hơn 95 nghìn đơn vị. Khối ngoại lần lượt bán ròng gần 454 nghìn cổ phiếu tại VNM và hơn 126 nghìn cổ phiếu tại VJC.

Hôm qua, HVN của Vietnam Airlines cũng giảm sàn 2.100 đồng còn 28.450 đồng/cổ phiếu, cuối phiên, mã này cũng không hề có dư mua, dư bán sàn gần 61 nghìn đơn vị và bị khối ngoại bán ròng hơn 17 nghìn cổ phiếu.

Một mã khác cũng giảm sàn là VHC của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn. Mã này mất 2.600 đồng còn 34.900 đồng/cổ phiếu. Trung Quốc là một thị trường quan trọng của Vĩnh Hoàn, chính vì vậy, những bất lợi trong hoạt động giao thương và tình hình tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh Vĩnh Hoàn thời gian tới.

Diễn biến bất lợi của các mã cổ phiếu lớn đã ảnh hưởng đáng kể đến cục diện chung. Riêng VNM tác động khiến VN-Index mất 4,1 điểm; tác động từ GAS là 3,06 điểm, từ VJC là 1,54 điểm và từ BID là 1,4 điểm.

Trái ngược với không khí hoảng loạn chung trên thị trường, cổ phiếu y dược vẫn tiếp tục được nhà đầu tư săn đón. Điều này có thể xuất phát từ nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ tăng cao trong bối cảnh dịch cúm corona lan rộng.

DHG của Dược Hậu Giang tăng trần 6.500 đồng lên 99.500 đồng và là mã có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index, đóng góp cho chỉ số 0,25 điểm. Tại mã này vẫn còn dư mua giá trần hơn 77 nghìn đơn vị cuối phiên song không có dư bán.

IMP của Dược phẩm Imexpharm cũng tăng trần 3.500 đồng lên 54.800 đồng, cuối phiên không hề có dư bán và dư mua trần hơn 12 nghìn đơn vị. PME của PYMEPHARCO tăng giá mạnh 3.000 đồng lên 57.500 đồng. DMC của Xuất nhập khẩu Y tế Domesco tăng 4.600 đồng lên 76.000 đồng. Đây đều là những mã cổ phiếu nằm trong top tác động tích cực nhất lên VN-Index.

Ngoài ra, trong nhóm cổ phiếu ngành dược phiên hôm qua, nhiều cổ phiếu cũng tăng giá mạnh như DVN tăng 1.600 đồng, DHT tăng 4.800 đồng lên 53.500 đồng; AMV tăng 2.000 đồng lên 22.000 đồng, PMC tăng 1.000 đồng lên 57.900 đồng; DCL, OPC, JVC, VMD cũng tăng giá.

Theo nhận xét của BVSC, VN-Index đang có chuyển biến xấu về mặt xu hướng trung hạn sau khi xuyên thủng vùng hỗ trợ quan trọng 945-946 điểm. Áp lực điều chỉnh của thị trường có thể sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn và nếu không thể giữ được ngưỡng 936 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp thì nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 910-920 điểm.

Trong kịch bản thị trường xuất hiện phản ứng hồi phục kỹ thuật tại vùng điểm hiện tại, chỉ số sẽ quay lại thử thách vùng 945-946 điểm.

Do đó, nhóm phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về mức thấp 10-20% cổ phiếu. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng lớn có thể tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng.

“Chúng tôi có quan điểm không tích cực đối với xu hướng thị trường trong thời gian tới khi vùng hỗ trợ quan trọng 945-946 điểm bị phá vỡ” - chuyên gia BVSC cho hay. Do đó, nhà đầu tư được cho là nên tạm thời đứng ngoài thị trường để chờ đợi xem phản ứng của chỉ số khi kiểm định lại vùng điểm vừa bị phá vỡ.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm