Ăn chảnh hội nhập: Cháo xương cá hồi, phở sườn bò Úc

Thịt gà Mỹ, Hàn, trâu Ấn Độ, bò Mỹ, bò Úc, Brazil đến cả xương bê Úc hay xương cá hồi,... mặc dù hiệp định TPP chưa có hiệu lực, các mặt hàng thịt ngoại vẫn phải chịu thuế, song, năm 2015, người dân khắp cả nước đã được ăn thịt ngoại với giá rẻ, còn chăn nuôi trong nước đối diện nguy cơ thua trên sân nhà.

Lợn, bò, gà, cá ngoại,... tràn ngập thị trường

Năm 2015, người dân không còn tẩm bổ cháo cá chép, thay vào đó là cá hồi, cháo xương cá hồi nhập ngoại với giá rẻ chỉ vài chục ngàn đồng/bộ. Câu chuyện một cửa hàng bán hết veo 300 bộ xương cá hồi chỉ trong một ngày dường như là điểm mở đầu cho một năm tiêu dùng thịt ngoại, xương ngoại của người Việt.

Còn nhớ vào năm 2014, nhiều người không khỏi giật mình trước việc các siêu thị bán thịt gà dai nhập khẩu từ Hàn Quốc với giá siêu rẻ, chỉ khoảng 70.000-90.000 đồng/con tùy thời điểm. Ấy thế mà sang đến 7/2015, thịt gà Mỹ "bay" nửa vòng trái đất về Việt Nam mà chỉ có giá chưa đầy 20.000 đồng/kg sau khi đã chịu hết hàng loạt các loại thuế phí.


Thịt bò, gà Mỹ giá rẻ tràn ngập thị trường năm 2015

Thịt bò, gà Mỹ giá rẻ tràn ngập thị trường năm 2015

Thời điểm đó, ở Sài Gòn còn có đầu mối quảng cáo bán đùi gà nhập khẩu từ Mỹ chỉ 17.000 đồng/kg, mà còn cam kết là hàng chất lượng, hạn sử dụng 6 tháng, khách lấy bao nhiêu cũng có.

Thống kê từ cơ quan Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm, có tới 70.000 tấn thịt gà các loại như gà nguyên con, đùi gà, cánh gà, thịt gà khác đã nhập khẩu vào Việt Nam, trị giá lên đến 63,7 triệu USD, trong đó, có thịt gà nhập khẩu từ Mỹ chiếm đến trên 60%.

Nhờ lợi thế về giá, thịt gà Mỹ xuất hiện ở khắp nơi, từ nhà hàng, quán ăn, bến ăn tập thể,... Gà công nghiệp Việt Nam vì thế bị nock-out bởi giá gà Mỹ rẻ như rau, thậm chí còn rẻ hơn cả một số loại rau khi phải mua trái mùa. Rẻ đến mức người dân nghi ngờ đó là hàng hết hạn sử dụng được bán sang Việt Nam, còn các chuyên gia và cơ quan quản lý thì nghi ngờ rằng Mỹ đang bán phá giá thịt gà ở Việt Nam hoặc có chuyện gian lận thương mại.

Năm 2015, người dân khắp cả nước còn được ăn thịt bò, thịt trâu ngoại cũng với mức giá cực rẻ. Đơn cử, thịt ba chỉ bò Mỹ, thịt bò Brazil chỉ 190.000-195.000 đồng/kg tùy loại, trong khi đó, thịt bò nội giá dao động ở mức 220.000-280.000 đồng/kg. Tương tự, bắp lõi trâu Ấn Độ giá 195.000 đồng/kg rẻ hơn thịt trâu nội từ 25.000-55.000 đồng/kg, sườn sụn non Tây Ban Nha giá 98.000 đồng/kg, rẻ hơn sườn sụn non hàng nội tới gần 40.000 đồng/kg,...


Ngoài thịt, xương cá hồi, xương bê Úc cũng tràn ngập thị trường

Ngoài thịt, xương cá hồi, xương bê Úc cũng tràn ngập thị trường

Theo số liệu từ Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, riêng 5 tháng đầu năm 2015, có hơn 209.000 con trâu, bò sống từ Úc và Thái Lan được nhập khẩu vào Việt Nam. Cùng với giống, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này lên tới 195 triệu USD, tăng hơn 62% về lượng và 98,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, cả nước cũng nhập khẩu 2.032 tấn thịt lợn, kim ngạch đạt gần 4 triệu USD, tăng gần 47% về lượng và 60% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Vào dịp cuối năm nay, không ít người còn giật mình bởi không chỉ có xương cá, thịt bò, gà mà bây giờ xương ống bê Úc cũng được người Việt sử dụng để làm nguyên liệu nấu nước dùng ăn bún phở thay cho xương bò nội như trước.

Nếu trước kia, chỉ nhà giàu mới dám thỉnh thoảng chọn mua thịt ngoại vì đắt đỏ, thì sang năm nay, bà nội trợ nào cũng có thể mua thịt nhập khẩu về ăn với giá rẻ. Nhiều gia đình còn lên kế hoạch đặt mua các loại thịt bò, gà, trâu ngoại về quê ăn Tết. Thịt ngoại nhập gần đây còn được tiếp thị đến tận nhà dân.

Năm bất an của người chăn nuôi

Trong khi người tiêu dùng hoan hỉ vì cả năm được ăn thịt ngoại giá rẻ thì người chăn nuôi và cơ quan chức năng đứng ngồi không yên, tìm đủ cách đối phó trước sự tấn công mạnh mẽ của "cơn bão" tràn về - mặt trái từ sự mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế.


Thịt ngoại tấn công khiến ngành chăn nuôi trong nước dần teo tóp

Thịt ngoại tấn công khiến ngành chăn nuôi trong nước dần teo tóp

Gà - thế mạnh của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam - đã bị phá tan tành khi thịt gà Mỹ đổ bộ. Người chăn nuôi gà thua lỗ nặng (mỗi kg gà lỗ 7.000-8.000 đồng) vì không thể cạnh tranh nổi. Theo tính toán của Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, hàng nghìn hộ dân nuôi gà trong nước đã lỗ 1.300 tỷ đồng trong 11 tháng liên tiếp.

Các thủ phủ gà như Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì (Hà Nội), Đồng Nai,... nơi thì trắng chuồng, dân bỏ nghề đi làm thuê; nơi thì nợ nần chồng chất, người chăn nuôi đứng trước nguy cơ phá sản.

Các cơ quan chức năng liên tục hội họp để tìm giải pháp. Thậm chí, có thời điểm, cứ khoảng 1 tuần lại diễn ra một cuộc họp, hội thảo liên quan đến câu chuyện con gà và ngành chăn nuôi. Nhiều ý kiến băn khoăn: chăn nuôi gà công nghiệp gần như đã bị xóa sổ tại Việt Nam, vậy, giải pháp nào để tìm ra lối đi cho ngành chăn nuôi, hay đành chịu cảnh "hấp hối” và "hi sinh" trên sân nhà khi hiệp định TPP có hiệu lực?

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ không chết bởi có nhiều lợi thế cạnh tranh. Theo lý giải của ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, tại một hội thảo gần đây, thì với tâm lý không thích ăn gà công nghiệp đông lạnh, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh được bằng gà truyền thống tươi ngon, cộng với sự đầu tư bài bản theo hướng công nghiệp.

Trên thực tế, câu chuyện gà Mỹ và gà Việt chỉ là một ví dụ điển hình để ngành chăn nuôi Việt nhìn nhận lại điểm yếu, điểm mạnh của mình từ đó tìm ra được hướng phát triển bền vững,bởi các chuyên gia dự báo giá thành sản xuất thịt của các nước đang rẻ hơn Việt Nam 25-35%. Hiện tại, thịt ngoại còn phải chịu thuế nhập khẩu nhưng vài năm tới, khi Việt Nam tham gia các FTA và TPP thì thuế nhập khẩu sẽ giảm dần, khi đó giá thịt ngoại còn rẻ nữa.

Theo Bảo Hân
VietnamNet

 

Ăn chảnh hội nhập: Cháo xương cá hồi, phở sườn bò Úc - 4