ADB cam kết duy trì mức hỗ trợ 1 tỷ USD/năm cho Việt Nam

(Dân trí) - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cam kết duy trì mức hỗ trợ cho Việt Nam khoảng 1 tỷ USD/mỗi năm, phương thức giải ngân là: trong đó 70-75% vốn vay cho dự án, 20-25% vốn vay cho chính sách và khoảng 3-5% vốn vay cho Chính phủ trong các lĩnh vực đã có thành tựu.

Trong cuộc họp báo về “Chiến lược và Chương trình Hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020” diễn ra sáng nay (11/10), ADB đã phê duyệt chiến lược đối tác mới để hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 được công bố gần đây, thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng đồng đều và bền vững với môi trường hơn.

Theo đó, ADB cam kết duy trì mức hỗ trợ cho Việt Nam khoảng 1 tỷ USD/mỗi năm, phương thức giải ngân là: trong đó 70-75% vốn vay cho dự án, 20-25% vốn vay cho chính sách và khoảng 3-5% vốn vay cho Chính phủ trong các lĩnh vực đã có thành tựu.


ADB cam kết duy trì mức hỗ trợ 1 tỷ USD/năm cho Việt Nam

ADB cam kết duy trì mức hỗ trợ 1 tỷ USD/năm cho Việt Nam

Nhận định về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam đưa ra tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm tới, đây là một con số cao, nhưng không phải con số càng cao càng tốt. Các quốc gia tăng trưởng nhanh tới một thời điểm sẽ bị chững lại, các quốc gia này có nhiều vấn đề hơn các quốc gia tăng trưởng chậm nhưng bền vững.

“Duy trì được tăng trưởng cao trong bao lâu mà không làm tăng trưởng nóng và không tạo hệ lụy cho những năm sau mới là xu hướng nền tảng của tăng trưởng. Không những vậy, tăng trưởng đang gây thiệt hại về môi trường và Việt Nam đang phải đối mặt trực tiếp với biến đổi khí hậu”, ông Eric Sidgwick nói.

Mặc dù đánh giá Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế rất ấn tượng nhưng ADB vẫn cho rằng, Việt Nam đang bắt đầu phải đối mặt với những thách thức mới và phức tạp hơn như: Sự gia tăng nhanh dân số trong độ tuổi lao động trước đây bắt đầu giảm dần, đồng thời các nhóm nghèo vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và vùng nông thôn.

ADB nhấn mạnh rằng, việc Việt Nam chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập trung bình thấp sang quốc gia thu nhập trung bình đòi hỏi những cải thiện về hiệu quả chi tiêu công và đầu tư nhiều hơn cho khu vực tư nhân. ADB sẽ khuyến khích cả hai vấn đề trên, cũng như giúp tăng quy mô đầu tư của khu vực tư nhân thông qua phương thức hợp tác công-tư, nhằm cải thiện hiệu quả và cung cấp dịch vụ cho người dân, đồng thời tăng cường tiếp cận kiến thức và công nghệ mới.

ADB cũng cam kết sẽ hỗ trợ sử dụng một cách bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như các biện pháp nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khi hậu để đáp ứng với các rủi ro đang gia tăng đối với Việt Nam.

Khi được hỏi đến vấn đề nóng khác của Việt Nam hiện nay như: nợ công và mức bội chi ngân sách, đại diện của ADB thẳng thắn bày tỏ: “Chúng tôi không nghĩ đây sẽ là khủng hoảng của nền kinh tế. Có nhiều cách để giảm thiểu, một là nhìn vào phần thu thuế đã tương xứng chưa, hai là chi tiêu thường xuyên và chi tiêu đầu tư đã đạt hiệu quả?”

“Chúng tôi sẽ giúp Chính phủ xây dựng hệ thống chi tiêu trung hạn (5 năm) một cách hiệu quả. Quản lý công sản, cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn chi tiêu đầu tư và đảm bảo, chú trọng hiệu quả đầu tư”, ông Sidgwick bổ sung thêm.

Về vấn đề giảm và dừng cấp vốn cho ngành Nông nghiệp từ 1/1/2019, sẽ có hai hình thức để Chính phủ lựa chọn là: Vay vốn đầu tư cho Nông nghiệp với lãi suất cao hơn hoặc hỗ trợ chọn gói theo vùng gồm: cơ sở hạ tầng, kinh doanh Nông nghiệp, thúc đẩy du lịch và cải thiện sinh kế.

Tham nhũng được nhắc đến cuối cùng và theo ông Eric Sidgwick, ADB sẽ không khoan nhượng. "Chúng tôi đã có các quy chế nghiêm ngặt với tham nhũng. Lĩnh vực có rủi ro tham nhũng cao chính là đấu thầu", ông Eric Sidgwick khẳng định.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm