1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

ADB: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục giữ ổn định

(Dân trí) - ADB dự báo, kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ ổn định trong năm 2016 với mức tăng trưởng 6,7%, sau đó sẽ tăng trưởng chậm hơn ở mức 6,5% trong năm 2017.

Cần gỡ bỏ những ảnh hưởng méo mó của doanh nghiệp nhà nước

Theo đánh giá tại bản báo cáo vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố sáng nay (30/3/2016), kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tốt trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu đầy biến động.

ADB dự báo, kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ ổn định trong năm 2016 với mức tăng trưởng 6,7%, sau đó sẽ tăng trưởng chậm hơn ở mức 6,5% trong năm 2017.

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam

Tổ chức này cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam là đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng, cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Song mặc dù nền kinh tế tăng trưởng khá tốt, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn, cả trong trước mắt và dài hạn.

“Trong ngắn hạn, Chính phủ Việt Nam phải kiểm soát được ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm, đồng thời củng cố lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để cho phép Việt Nam nâng cao được sức chống chịu trước bất kỳ cú sốc kinh tế mới nào trong tương lai,” ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định.

Ông Eric cũng cho rằng, về lâu dài, Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất thấp của Việt Nam và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Báo cáo ADB phát hành hôm nay cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách sâu rộng hơn, nhằm gỡ bỏ những ảnh hưởng méo mó mà các doanh nghiệp này gây ra cho nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính phủ cũng cần tiếp tục áp dụng các biện pháp tăng cường hệ thống ngân hàng, bao gồm một kế hoạch rõ ràng nhằm xử lý nợ xấu, vì vấn đề này sẽ tiếp tục cản trở sự hình thành một khu vực tài chính hiệu quả và toàn diện.

Theo chuyên gia ADB, mặc dù Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do mới, song cũng sẽ phải chấp nhận một chi phí điều chỉnh đáng kể. Khi nền kinh tế mở cửa để đón nhận cạnh tranh nhiều hơn, và các tiêu chuẩn xuất khẩu ngặt nghèo hơn, thì các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực kinh doanh ngày càng gia tăng.

“Để đảm bảo nền kinh tế có thể tối đa hóa được lợi ích từ các hiệp định thương mại, Chính phủ cần song hành để tạo ra một nền kinh tế có năng suất cao hơn, đổi mới sáng tạo hơn, để sẵn sàng thích ứng với áp lực cạnh tranh gia tăng,” ông Sidgwick nói thêm.

Địa phương không chủ động được về ngân sách

Tại báo cáo này, ADB cho rằng, ngoài Hà Nội và TP.HCM, rất ít chính quyền đô thị địa phương có thể tự huy động đủ nguồn thu để phát triển hạ tầng cơ sở vật chất, do vậy chủ yếu lệ thuộc vào ngân sách hàng năm do trung ương điều tiết.

Thực trạng này ngăn cản sự phát triển bởi chính quyền địa phương cần phải có những cam kết cấp vốn trong nhiều năm mới có thể hoàn thiện được những dự án lớn như nâng cấp hệ thống thoát nước toàn thành phố.

Việc huy động vốn càng trở nên khó khăn hơn đối với những dự án quan trọng mà lại ít có khả năng tạo nguồn thu, ví dụ như thoát nước, và những dự án này thường phải vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ nước ngoài.

Đối phó với tình trạng thiếu vốn tự có, nhiều chính quyền địa phương đôi khi phải viện đến các doanh nghiệp phát triển tư nhân để cung ứng hạ tầng thông qua các hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng. Những hợp đồng này có thể làm cho đất công bị đổi với giá rẻ để lấy lại hạ tầng được xây dựng với chất lượng kém.

Hơn nữa, mô hình phát triển đô thị do doanh nghiệp tư nhân chi phối có thể bóp méo việc cung ứng dịch vụ, ví dụ như đầu tư quá mức vào nhà ở đắt tiền trong khi đầu tư quá ít cho nhà ở thu nhập thấp cho người dân nghèo đô thị.

"Những vấn đề này có thể được xử lý bằng cách tăng cường công tác quy hoạch địa phương, xây dựng các khuôn khổ trung hạn để cấp vốn cho dịch vụ đô thị, và khuyến khích chính quyền địa phương giảm bớt vai trò đầu tư của mình mà tập trung nhiều hơn vào công tác quy hoạch và quản lý nhà nước đối với dịch vụ đô thị, sử dụng đất và quản lý tài nguyên" - ADB khuyến nghị.

Bích Diệp

ADB: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục giữ ổn định - 2