1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

ACB thu hồi nhanh hơn khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng của nhóm 6 công ty bầu Kiên

(Dân trí) - Mới đây, ACB đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép trích lập thêm 800 tỷ đồng trong năm 2016 và lộ trình thu hồi nợ được điều chỉnh lại với số tiền thu hồi trong năm 2016 và 2017 lần lượt là 3.000 tỷ đồng và 2.016 tỷ đồng. Ngoài ra, việc thu hồi các khoản tiền gửi của ACB tại 2 ngân hàng 0 đồng cũng đang cho thấy sự tiến triển.

Khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng của 6 công ty liên quan đến bầu Kiên tại ACB đang được xử lý với lộ trình rút ngắn
Khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng của 6 công ty liên quan đến bầu Kiên tại ACB đang được xử lý với lộ trình rút ngắn

Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất 2016 được kiểm toán bởi KPMG. Theo đó, thuyết minh BCTC cho thấy, tại thời điểm 31/12/2016, ngân hàng này đang có 6.271,3 tỷ đồng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác (tăng so với năm 2015 khoảng 500 tỷ đồng).

Trong đó, ghi nhận dự phòng rủi ro tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác là 171,9 tỷ đồng (cùng kỳ là 200 tỷ đồng).

Không nêu tên cụ thể trong BCTC của các ngân hàng đối tác và chỉ sử dụng tên nặc danh, bản thuyết minh BCTC của ACB cho hay, với khoản tiền gửi 772 tỷ đồng tại ngân hàng B (giá trị khoản tiền gửi vào cuối năm 2015), đến 31/12/2016 thì khoản này chỉ còn 125 tỷ đồng.

ACB cho biết, khoản này đã được gia hạn. Tại ngày 31/3/2014, ACB đã ký thỏa thuận với ngân hàng B đồng ý gia hạn thời gian trả khoản tiền gửi này thêm 24 tháng, theo đó ngày đáo hạn mới là 4/9/2016. Tổng số tiền trích lập dự phòng cho khoản tiền gửi có kỳ hạn này tại ngày 31/12/2016 là 6,25 tỷ đồng.

Đến ngày 7/7/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của ngân hàng B với giá 0 đồng. Sau đó, NHNN đã cho phép ACB nhận chuyển nhượng các trái phiếu và bất động sản do ngân hàng B nắm giữ để cấn trừ khoản tiền gửi này, đồng thời ACB sẽ miễn toàn bộ lãi phải thu phát sinh từ khoản tiền gửi nói trên.

Ngày 7/4/2016, ACB đã nhận chuyển nhượng các trái phiếu với mệnh giá 500 tỷ đồng do một công ty cổ phần trong nước phát hành để cấn trừ 520 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng B.

Vào ngày 12/9/2016 và ngày 4/11/2016, ACB và một công ty con của ACB đã nhận chuyển nhượng 2 bất động sản với giá trị lần lượt là 68,897 tỷ đồng và 62 tỷ đồng do ngân hàng B nắm giữ để cấn trừ 65 tỷ đồng và 62 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng B.

Đối với số dư 125 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn còn lại, ACB đang trong quá trình thực hiện các thủ tục nhận chuyển nhượng bất động sản do ngân hàng B nắm giữ để cấn trừ nợ.

Về khoản tiền gửi trị giá 400 tỷ đồng tại một ngân hàng C khác (cũng đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng) đã quá hạn lãi hiện đã được phân loại vào nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn. Tính đến hết ngày 31/12/2016, ACB đã tiến hành trích lập dự phòng 165,63 tỷ đồng cho khoản tiền gửi này.

Theo phê duyệt từ NHNN, khoản tiền gửi này sẽ được thu hồi hàng năm theo lộ trình được phê duyệt cho đến ngày 30/09/2020.

Ngoài ra, về hoạt động thu hồi nợ tại nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên, tại ngày 31/12/2016, tài sản đảm bảo và khoản bảo lãnh khác mà ACB đang nắm giữ và các nguồn trả nợ khác để đảm bảo cho số dư với nhóm 6 công ty này là 4.479,7 tỷ đồng.

Theo lộ trình thu hồi nợ đã được NHNN phê duyệt, số dư của nhóm 6 công ty sẽ được thu hồi hàng năm với số tiền lần lượt là 814 tỷ đồng, 2.200 tỷ đồng, 1.816 ỷ đồng và 1.000 tỷ đồng bắt đầu từ năm 2015 và kết thúc vào năm 2018. Nợ của nhóm 6 công ty này được phân loại là nợ nhóm 2 - nợ cần chú ý.

Mới đây, ACB đã được NHNN cho phép trích lập thêm 800 tỷ đồng trong năm 2016 so với lộ trình thu hồi nợ nêu trên và lộ trình thu hồi nợ được điều chỉnh lại với số tiền thu hồi trong năm 2016 và 2017 lần lượt là 3.000 tỷ đồng và 2.016 tỷ đồng.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm