1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

ACB chi hơn 5.400 tỷ đồng chia cổ tức

Đại Việt Như Như

(Dân trí) - Ngân hàng ACB sẽ dùng 5.404 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức năm 2020 cho cổ đông, tỷ lệ 25%.

ACB chi hơn 5.400 tỷ đồng chia cổ tức - 1

Tính đến đầu tháng 4/2021, tổng tài sản của ACB đạt khoảng 447.000 tỷ đồng (Ảnh: Đại Việt).

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB), đại diện ngân hàng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng tài sản của ACB đạt khoảng 447.000 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm ngoái. 

Tín dụng ghi nhận 320.000 tỷ đồng, tăng hơn 4%. Lượng vốn huy động khoảng 352.000 tỷ đồng và tương đối cân bằng với hoạt động cho vay. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là dưới 0,7%, đáp ứng yêu cầu dưới 1%.

Ngân hàng ACB dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 và 2021 đều với tỷ lệ 25%. Sau 2 đợt phát hành này, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 21.616 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng.

ACB đã trình ĐHĐCĐ thường niên 2021 về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 và 2021.

Theo đó, ACB sẽ dùng 5.404 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức năm 2020 cho cổ đông, tỷ lệ 25%.

Nếu năm 2021 ngân hàng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã được đề ra thì cổ đông tiếp tục được nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%, tương đương 6.755 tỷ đồng.

ACB chi hơn 5.400 tỷ đồng chia cổ tức - 2

ACB sẽ dùng 5.404 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức năm 2020 cho cổ đông (Ảnh: Đại Việt).

ACB cho biết, đến cuối năm 2020, quy mô tổng tài sản đạt 444.530 tỷ đồng, tăng 15,9% so với đầu năm và hoàn thành 103% kế hoạch. Các khoản mục trong bảng tổng kết tài sản tăng trưởng ở mức trên bình quân của ngành, phù hợp với chính sách quản lý rủi ro của ACB. 

Quy mô vốn huy động đạt 353.196 tỷ đồng, tăng 14,6% so với đầu năm và hoàn thành 102% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn không kỳ hạn tăng mạnh ở mức 30%, nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (Casa) lên mức 22%, góp phần cải thiện chi phí vốn ở mức hợp lý.

Dư nợ tín dụng đạt 311.479 tỷ đồng, tăng 15,9% so với đầu năm và hoàn thành 104% kế hoạch. Trong đó, tín dụng bán lẻ tăng 19% là động lực tăng trưởng tín dụng của ACB.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.596 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2019 và hoàn thành 126% kế hoạch. Doanh thu tăng 13%, trong đó thu nhập lãi tăng 20%, biên sinh lời tăng 12 điểm so với năm 2019, đạt 3,52%.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân (ROA) đạt mức 1,86%, cao hơn mức 1,69% của năm 2019. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt mức 24,31%, tương đương mức của năm 2019.

Năm 2021, ACB cũng trình ĐHĐCĐ thường niên thông qua các kế hoạch như: tổng tài sản tăng 10%; tiền gửi khách hàng tăng 9%; tín dụng tăng 9,5%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.602 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2019.

Năm 2020, thù lao và ngân sách hoạt động của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát của ACB được phê duyệt 0,6% lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Với lợi nhuận sau thuế đạt được 7.683 tỷ đồng, thù lao và ngân sách sẽ là 46,1 tỷ đồng nhưng giá trị thực hiện chỉ 70%, tương đương 32,23 tỷ đồng.

Năm 2021, ACB tiếp tục kiến nghị thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát của ACB được phê duyệt 0,6% lợi nhuận sau thuế hợp nhất.