80% doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi sử dụng chất cấm

(Dân trí) - Có tới 80% trong số khoảng 20 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) được thanh tra và phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Từ đầu năm đến nay Thanh tra Bộ đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an tiến hành trinh sát khoảng 20 doanh nghiệp (DN) sản xuất TACN có dấu hiệu vi phạm. Khi đến để thanh tra thì 80% DN được thanh tra có sử dụng chất cấm là chất tạo màu vàng ô và chất Salbutamol vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.


80% các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng chất cấm để tạo nạc, tăng trọng cho vật nuôi (Ảnh minh họa)

80% các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng chất cấm để tạo nạc, tăng trọng cho vật nuôi (Ảnh minh họa)

Theo ông Việt, đợt thanh tra cao điểm vừa rồi chủ yếu tiến hành ở miền Bắc và một số địa phương ở miền Nam như TPHCM, Đồng Nai và Tiền Giang. Ở miền Bắc, đa số các doanh nghiệp vi phạm hoạt động ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Giang.

Ngoài các cơ sở vi phạm đã công bố gần đây, các cơ quan chức năng đang tiếp tục xử lý và truy xuất nguồn gốc chất Salbutamol và Vàng ô và sẽ công bố thêm các doanh nghiệp vi phạm trong 10 ngày tới.

Kết quả thanh, kiểm tra cho thấy, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến phức tạp. Có tới 16% các mẫu thịt được kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc, 7,6% mẫu thịt có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.

Điều đáng nói là có tới 80% trong số 20 công ty sản xuất TACN được thanh tra và phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm.

Trước đó, trong đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi từ cuối tháng 10 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 7 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi bị phát hiện sử dụng chất cấm, bao gồm: Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương), Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long (Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên), Công ty TNHH Thiên Tôn (Hải Dương), Công ty Vimark (Bắc Giang), Công ty Đại An Tín (Hải Dương), Công ty TNHH Tino và Công ty Menon (quận Bình Tân, TPHCM).

Các chất cấm bị phát hiện phổ biến gồm chất Salbutamol, Clenbuterol và chất vàng O. Các chất có tồn dư trong thịt và là chất gây ung thư cho người.

Cụ thể, đối với chất Salbutamol chỉ được phép nhập khẩu chỉ để sản xuất thuốc, nhưng hiện nay việc quản lý rất lỏng lẻo dẫn đến tình trạng nhập tràn lan và bị lạm dụng sử dụng vào TACN để tạo nạc cho vật nuôi.

Chất Clenbuterol cũng đã bị cấm nhập từ hơn một năm nay nhưng vẫn có mặt trên thị trường, được cho vào TACN để “thúc” heo tăng trọng nhanh, nhiều nạc.

Chất vàng ô (VAT Yellow) được sử dụng phổ biến trong công nghiệp dệt, nhuộm, giấy, xây dựng, và không được dùng trong thực phẩm, có khả năng gây ung thư ở người.

Thanh tra Bộ NN&PTNT và Tổng cục Cảnh sát đều đề nghị tăng chế tài xử lý, có hình thức xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất cấm trong TACN. Với những vụ đủ yếu tố xử lý hình sự, thanh tra chuyên ngành cần chuyển ngay cơ quan điều tra để xử lý sớm.

Tuy nhiên, ông Việt cũng thừa nhận rằng: "Hiện nay, để xử lý hình sự các trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là rất khó do những vướng mắc tại Điều 155 và Điều 244 của Luật Hình sự."

Chính vì vậy, gần đây tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NNN&PTNT Cao Đức Phát đã kiến nghị sửa đổi gấp luật này để tăng tính răn đe với đối tượng cố tình vì đồng tiền coi thường sức khỏe đồng loại.

Nguyên An

 

80% doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi sử dụng chất cấm - 2