600 tiệm vàng không đạt chuẩn: Dân nông thôn biết mua ở đâu an toàn?
(Dân trí) - Đây là câu hỏi và cũng là băn khoăn của nhiều người dân đặc biệt tại nông thôn trước thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ vừa cho biết, cả nước có 600/2.200 cơ sở kinh doanh vàng không đạt tiêu chuẩn về đo lường, cân vàng không kiểm định, đo không chính xác và hàm lượng vàng không đạt theo tiêu chuẩn công bố.
Khảo sát của phóng viên Dân trí cho thấy, trên thực tế hiện nay, các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) vàng lớn cũng chỉ phân bổ hệ thống cửa hàng, chi nhánh xuống trung tâm tỉnh là cùng. Trong 4 hệ thống kinh doanh vàng lớn của Việt Nam, doanh nghiệp lớn nhất cũng chỉ có 50 cửa hàng trên toàn quốc, rải ở trung tâm tỉnh, còn lại các DN khác cũng chỉ có từ 20 - 30 cửa hàng, hệ thống.
Trong khi đó, tại các huyện, thị xã hầu hết là các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ, lẻ tự hoàn công, gia công. Chính vì điều này, khiến người dân rất lo lắng.
“Không chỉ ở các tỉnh, ngay tại Hà Nội, cũng chỉ 1 số địa chỉ kinh doanh vàng lớn công nhận chất lượng vàng của nhau, trong đó có Bảo Tín Minh Châu, DOJI, Phú Quý... và vẫn có rất nhiều cửa hàng, tiệm vàng bán vàng nữ trang, vàng ta. Tuy nhiên, quá trình mua đi và bán lại thường các cửa hàng nhỏ không công nhận chất lượng của nhau, điều này là thực tế khá phổ biến”, ông Phùng Hữu Khắc Hải, một chuyên gia về đầu tư vàng nhận định.
Theo một chuyên gia về vàng của Hiệp hội vàng Việt Nam, người mua vàng nữ trang, vàng tây rất ít khi bán lại do đó người cầm vàng không thể xác định được chính xác tuổi vàng. Vàng được mua, cất giữ qua nhiều năm, nhưng khách hàng không hề hay biết số vàng đó chưa đủ tuổi, thiếu hàm lượng vàng cần thiết và theo đúng quy định. Đây là điều kiện khiến số vi phạm về chất lượng vàng nữ trang gia tăng.
Thực tế kết quả kiểm tra của Bộ KH&CN cho thấy, số của hàng phát hiện vi phạm đều tập trung ở vàng nữ trang (vàng tây - loại vàng được pha với tỷ lệ vonfram phù hợp). Giám đốc kinh doanh của một DN vàng lớn thừa nhận, có trường hợp không mua ở hệ thống doanh nghiệp, cửa hàng đại lý, khi cân tuổi vàng thấy thiếu, trong khi đó khách mua vàng về không hề đeo, chỉ để trong tủ. Khi biết sự việc này, khách đem lại cửa hàng cũ để khiếu nại thì cửa hàng lấy nhiều lý do như hao mòn thời gian, thậm chí phủ nhận hoàn toàn thực tế vàng thiếu tuổi, rồi đưa nhiều lý do khách quan…
Hiện, vàng nhẫn chủ yếu được chế tác thủ công, mỗi tiệm vàng đều có thương hiệu khác nhau. Tiêu chuẩn, chất lượng cũng như tuổi vàng do các tiệm vàng này quyết định chứ không có cơ quan nào kiểm định. Để gian lận tuổi vàng, trong quá trình chế tác các thợ kim hoàn sẽ cho một loại kim loại có tỷ trọng tương đương nhưng giá rẻ hơn vàng rất nhiều để gian lận tuổi vàng mà chỉ có máy móc, thiết bị hiện đại mới phát hiện ra. Ngoài ra, các cửa hàng có thể cố tình hạ thấp tuổi vàng bằng việc chế tác sản phẩm bên trong là vàng thiếu tuổi phủ lên bên ngoài vàng đủ tuổi.
Theo đại diện một DN kinh doanh vàng lớn, về mặt kỹ thuật, hiện phần lớn các DN nhỏ lẻ ngoài thị trường chưa đủ phương tiện kỹ thuật để chế tác, để kiểm định, không có quy trình quản lý nghiêm ngặt khiến cho vàng thiếu cân, thiếu tuổi (vàng chỉ ở tuổi 99,0% - 99,7 % vàng,…) lẫn tạp chất.
Chính vì vàng thiếu tuổi, dẫn đến việc khách hàng buộc phải mua đâu - bán đó mới được giá, nếu người dân bán đi nơi khác sẽ bị các chủ tiệm chèn giá, trả giá rất rẻ. Việc này gây phiền toái, thiệt thòi cho người tiêu dùng khi phải đi tỉnh xa, khi biếu tặng, nhất là khi cho vay, cho mượn.
Theo ý kiến các chuyên gia và nhiều nhà đầu tư vàng giàu kinh nghiệm, ngoài biện pháp thủ công như hơ lửa thử màu, cắn vàng…, nếu có nhu cầu vàng nữ trang cần xem kỹ tỷ lệ vàng trong sản phẩm là bao nhiêu để đối chiếu xác minh. Còn nếu không có kinh nghiệm, nên mua vàng nữ trang, vàng ta ở các cửa hàng thuộc các DN lớn, dù giá cả đắt hơn nhưng chất lượng đảm bảo và nếu có nhu cầu bán thì ngoài các cửa hàng của DN, có nhiều cửa hàng nhỏ lẻ cam kết mua với mức giá thị trường hoặc tương đương.
Nguyễn Tuyền