Bản tin trưa 8/2:

600 cổ phiếu đưa vốn hóa VNG tăng gần gấp 3

Mai Chi

(Dân trí) - Không chỉ vốn hóa VNG mà giá trị tài sản của ông Lê Hồng Minh và các cổ đông tại công ty cũng nhân gấp 3 lần sau 6 phiên tăng trần liên tiếp của VNZ, mỗi phiên có 100 cổ phiếu khớp lệnh.

Trong phiên sáng nay (8/2), VN-Index cho tín hiệu hồi phục từ đầu phiên và tạm kết phiên vẫn đạt được trạng thái tăng nhẹ 1,66 điểm tương ứng 0,16% lên 1.067,5 điểm. Trong khi đó, VN30-Index giảm 0,58 điểm tương ứng 0,05% còn 1.068,92 điểm. HNX-Index giảm 0,59 điểm tương ứng 0,28% còn 209,41 điểm; UPCoM-Index tăng 0,67 điểm tương ứng 0,88% lên 76,21 điểm.

Thanh khoản đạt 244,89 triệu cổ phiếu tương ứng 4.234,98 tỷ đồng trên HoSE và 27,98 triệu cổ phiếu tương ứng 389,81 tỷ đồng trên HNX.

600 cổ phiếu đưa vốn hóa VNG tăng gần gấp 3 - 1

Ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập kỳ lân VNG (Ảnh: Bloomberg).

Mặc dù VN-Index tăng nhưng vẫn bị sắc đỏ bao trùm. Riêng sàn HoSE có tới 260 mã giảm giá so với 93 mã tăng. Xét trên toàn thị trường có 462 mã giảm, 18 mã giảm sàn so với 230 mã tăng, 21 mã tăng trần.

Số lượng mã tăng trần vẫn chủ yếu trên UPCoM. Sàn này có 10 mã tăng trần trên tổng số 89 mã tăng. Cổ phiếu VNZ của Tập đoàn VNG tiếp tục tăng trần lên 675.600 đồng. Biến động giá của phiên hôm nay tại mã cổ phiếu này là 88.100 đồng/cổ phiếu tương ứng 15%.

Đây là phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp của VNZ đưa VNZ từ mức giá 240.000 đồng lên 675.600 đồng, tăng 181,5% (mỗi cổ phiếu tăng 435.600 đồng). Tuy thanh khoản rất thấp và tổng giao dịch của 6 phiên vừa qua cũng chỉ loanh quanh 100 cổ phiếu, nhưng vốn hóa thị trường của VNG theo đó đã tăng vọt từ 6.896,6 tỷ đồng lên 19.414 tỷ đồng (tương ứng tăng 12.517 tỷ đồng). Tài sản của ông Lê Hồng Minh cũng tăng chóng mặt nhờ sở hữu hơn 3,5 triệu cổ phiếu VNZ tương ứng tỷ lệ 12,27%.

Dù tăng giá liên tục nhưng VNZ vẫn tiết giảm cung, thời điểm tạm đóng cửa phiên sáng nay tại mã này chỉ khớp lệnh lô tối thiểu 100 cổ phiếu và vẫn dư mua giá trần 12.200 cổ phiếu.

Với diễn biến này, VNG sẽ phải giải trình nguyên nhân tăng trần 5 phiên liên tiếp với Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Công ty do ông Lê Hồng Minh sáng lập và điều hành đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 cho thấy doanh thu thuần tăng 5,8% lên 2.036,7 tỷ đồng như lại lỗ sau thuế 547,4 tỷ đồng, tăng lỗ so mức lỗ cùng kỳ là 267,6 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2022, VNG có doanh thu thuần 7.800,6 tỷ đồng và lỗ sau thuế lên tới 1.315,4 tỷ đồng (năm 2021 lỗ gần 71 tỷ đồng).

Trở lại với diễn biến trên thị trường chứng khoán sáng nay, cổ phiếu ngân hàng với sự dẫn dắt của VCB đã cho thấy sự lạc quan nhất định. VCB tăng 3,7%; BID tăng 1,8%; CTG tăng 0,7% và có ảnh hưởng tích cực đến VN-Index.

Trong khi đó, áp lực bán vẫn áp đảo dẫn đến tình trạng giảm giá trên diện rộng. Trong nhóm bất động sản, NBB giảm 5,5%; SGR giảm 5,2%; LGL giảm 4,9%; PDR giảm 4,3%; KHG giảm 4,1%. Nhóm xây dựng và vật liệu chứng kiến MCG giảm sàn; VSI giảm 5,6%; NHA giảm 3,4%; LCG giảm 2,9%; THI giảm 2,7%.

Như vậy, với sự hỗ trợ của một vài mã lớn, đến sáng nay, VN-Index vẫn bảo toàn được ngưỡng 1.060 điểm