Chủ tịch công ty bị bán cổ phiếu trừ nợ, đại gia bất động sản gây thất vọng

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi VN-Index đã tiệm cận đỉnh ngắn hạn 1.100 điểm thì cổ phiếu Hải Phát vẫn loay hoay vùng đáy, Chủ tịch liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu, người nhà đăng ký mua nhưng gây thất vọng.

Trạng thái tăng vẫn được duy trì trên thị trường sáng nay khi các chỉ số chính đều tăng điểm. VN-Index tăng 1,8 điểm tương ứng 0,16% lên 1.100,08 điểm; VN30-Index tăng 1,9 điểm tương ứng 0,17% lên 1.117,62 điểm; HNX-Index tăng 0,79 điểm tương ứng 0,36% lên 218,51 điểm và UPCoM-Index tăng 0,24 điểm tương ứng 0,33% lên 73,78 điểm.

Thanh khoản duy trì mức 267,57 triệu cổ phiếu trên HoSE, giá trị giao dịch 4.972,22 tỷ đồng. HNX có 36,32 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 528,84 tỷ đồng và trên UPCoM là 15,11 triệu cổ phiếu tương ứng 187,63 tỷ đồng.

Sáng nay, HPX của Hải Phát giảm nhẹ 0,4% còn 5.030 đồng trong bối cảnh nhiều mã cổ phiếu ngành bất động sản đang dần bị chốt lời. TEG giảm 5,3%; TDC giảm 3,4%; SGR giảm 2,6%; KBC giảm 2,2%; DRH giảm 2,2%; NTL giảm 1,9%; DXS giảm 1,8%; KHG giảm 1,5%; DXG giảm 1,4%; AGG giảm 1,3%. HTN tăng trần, VRE tăng 2,2% nhưng phần lớn các mã tăng còn lại đều có mức tăng khiêm tốn.

Chủ tịch công ty bị bán cổ phiếu trừ nợ, đại gia bất động sản gây thất vọng - 1

Diễn biến giá cổ phiếu HPX trong một năm trở lại đây (Ảnh chụp màn hình).

Về HPX, mã này vẫn đang loay hoay ở vùng đáy trong bối cảnh làn sóng bán giải chấp đối với lãnh đạo doanh nghiệp chưa có hồi kết. Mới đây, ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch Đầu tư Hải Phát tiếp tục bị bán giải chấp hơn 3,6 triệu cổ phiếu trong phiên 11/1 và qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty từ 19,03% xuống còn 17,84%. Ước tính, tổng lượng cổ phiếu mà ông Hải phải bán giải chấp từ tháng 11/2022 đến nay gần 62 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty.

Trong một động thái khác, em trai ông Hải là ông Đỗ Quý Đường đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu HPG ngày 27/12/2022 đến ngày 24/1/2023, tưởng là hành động đỡ giá cổ phiếu, nhưng kết quả, ông Đường lại chỉ mua vào hơn 150.500 cổ phiếu và theo đó khiến giới đầu tư không khỏi hụt hẫng.

Trở lại với thị trường chung, thị trường vẫn đang đạt được sự đồng thuận khi độ rộng nghiêng về phía các mã tăng giá: Có 410 mã tăng, 33 mã tăng trần so với 287 mã giảm, 17 mã giảm sàn.

Cổ phiếu dịch vụ tài chính vẫn đang có diễn biến tích cực: VND tăng 2,2% và khớp lệnh cao, đạt 16,9 triệu đơn vị; TVS tăng 1,8%; SSI tăng 1,7%; VDS tăng 1,4%; BSI tăng 1,3%; EVF tăng 1,3%; AGR tăng 1,1%; VCI tăng 1%.

Trong khi đó, áp lực chốt lời đã xuất hiện ở cổ phiếu ngân hàng với việc CTG, VIB, EIB, VPB, MSB, TPB, VCB, STB giảm giá. Cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản tương tự cũng bị chốt lời tại một số mã như TNA, SMC, VPG, HPG, KSB, TLH, NKG… song chiều ngược lại, TTF tăng trần, HHP tăng 5,1%; SVT tăng 4,4%; BMC tăng 3,2%.

Cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu phân hóa. CVT giảm sàn, TGG giảm 5,5%; NAV giảm 4,2%, TTB giảm 2,7%; CTR giảm 2%; CTD giảm 1,6%; CII giảm 1,4%; HBC giảm 1,1% như SC5 tăng trần, LM8 tăng 6,1%; HAS tăng 5,7%; DXV tăng 5,2%; DPG tăng 4,5%; MCG tăng 4,4%. Có điều, các mã tăng giá mạnh lại có thanh khoản rất thấp.