1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

6 ngân hàng, công ty tài chính liên quan vụ đòi nợ thuê 1.000 tỷ đồng ở Tiền Giang

Công ty Luật TNHH Pháp Việt ký hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với 6 ngân hàng và công ty tài chính, rồi chuyển thông tin về các khách hàng vay chưa trả theo hợp đồng đến công ty này để thực hiện việc đòi nợ.

Chiều 18/4, tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức, trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí về tiến trình điều tra vụ án Công ty Luật TNHH Pháp Việt (Công ty Pháp Việt) "núp bóng" công ty luật để đòi nợ, đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết, đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 60 bị can điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản liên quan đến công ty này.

Theo đại tá Lộc, vụ án liên quan đến 415 đối tượng, trong đó 400 đối tượng có liên quan trực tiếp, tham gia hành vi đòi nợ bằng các thủ đoạn khác nhau, buộc người thiếu nợ phải trả tiền, cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Những người liên quan đến vụ án đều bị cấm xuất cảnh. Số tiền các bị can đã đòi nợ, cưỡng đoạt đến thời điểm điều tra là hơn 1.000 tỷ đồng.

"Cơ quan điều tra kiến nghị thu hồi số tiền mà các đối tượng đã đòi nợ, cưỡng đoạt từ người vay, xem đây là tang vật trong vụ án. Việc xử lý số tiền này như thế nào sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án khi đưa vụ án ra xét xử", ông Lộc nói.

Theo lời khai của lãnh đạo Công ty Pháp Việt và tài liệu đã thu thập được cho thấy, công ty này ký hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với 6 ngân hàng và công ty tài chính. Sau khi nhận thông tin về các khách hàng vay chưa trả theo hợp đồng (nợ xấu) do các ngân hàng và công ty tài chính chuyển đến, lãnh đạo Công ty Pháp Việt phân chia cho các trưởng phòng, các trưởng phòng sẽ phân chia cho các nhóm trưởng để giao cho các thành viên trong nhóm.

Các trưởng nhóm hướng dẫn nhân viên đòi nợ bằng cách gọi điện thoại chửi bới, đe dọa khách trả tiền hoặc đe dọa sẽ giết người thân, ghép hình tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm… Công ty Pháp Việt được hưởng lợi từ 24% đến 35% trên số tiền đòi được.

Kết quả điều tra, các bị can thừa nhận hành vi cùng đồng bọn đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay tiền và người thân, bạn bè của họ để ép buộc người vay phải trả tiền.

Lãnh đạo Công ty này thừa nhận việc phân công nhiệm vụ từ các trưởng phòng, trưởng nhóm và từng nhân viên thực hiện hoạt động phạm tội rộng khắp cả nước.

Tại họp báo ngày 18/4, trả lời câu hỏi phóng viên về việc xử lý trách nhiệm của các ngân hàng, công ty tài chính trong việc ký hợp đồng với Công ty Pháp Việt để đòi nợ thuê, Đại tá Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh: Bất luận tổ chức, cá nhân liên quan đến việc này đều phải truy xét, xử lý đến cùng.

Công ty Luật TNHH Pháp Việt do Lê Thị Tuyết (38 tuổi) làm Giám đốc. Trần Văn Châu (43 tuổi) và Hồ Quốc Hùng (36 tuổi) cùng làm Phó Giám đốc. Công ty đăng ký hoạt động tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, thực hiện các dịch vụ pháp lý khác, đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.

Quá trình hoạt động, công ty không thực hiện đúng chức năng đăng ký kinh doanh, không có chức năng đòi nợ thuê nhưng tổ chức tuyển dụng lao động phổ thông; nhân viên khi vào làm việc được Ban giám đốc công ty, các trưởng phòng và các nhóm trưởng hướng dẫn các thủ đoạn đe dọa, khủng bố để đòi nợ.

Thời điểm phá chuyên án, công ty có hơn 200 nhân viên làm việc, gồm: giám đốc, 2 phó giám đốc, 2 trưởng phòng kiêm nhóm trưởng, 20 nhóm (mỗi nhóm có nhóm trưởng và từ 7 đến 22 nhân viên). Châu và Hùng trực tiếp điều hành công ty và cầm đầu băng nhóm tội phạm. Còn Tuyết được hai đối tượng thuê đứng tên làm giám đốc.

Theo Nhật Huy

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm