1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Trào lưu bùng nợ lây lan, nhân viên thu nợ đòi bỏ việc

Thảo Thu

(Dân trí) - Giấu gia đình làm nhân viên đi thu nợ sau khi bị công ty cũ sa thải, Hiếu bị các "con nợ" gọi điện thách thức, chửi rủa, thấy tên mình bị rao trên các hội nhóm chuyên bùng nợ.

Vay tiền không trả, chửi người đòi nợ

Đầu năm nay, công ty cũ ở Tân Định, TPHCM bất ngờ ra thông báo sa thải nhân sự, Nguyễn Hiếu (31 tuổi) tất tưởi tìm kiếm một công việc khác. Không muốn gia đình lo lắng, Hiếu lên các trang mạng và tìm được công việc thu nợ tại nhà của một công ty tài chính. Vì công việc này không yêu cầu nhiều kinh nghiệm cũng như bằng cấp, Hiếu ứng tuyển và nhanh chóng được nhận.

3 tháng làm tại công ty tài chính ở vị trí thu nợ tại nhà cho Hiếu những trải nghiệm khó quên.

Công việc cụ thể là đến nhà người vay nhắc nợ. Công ty sẽ cấp thông tin khách hàng gồm tên tuổi, địa chỉ nhà, số điện thoại, số tiền cần trả… để nhắc "con nợ" tất toán các khoản cần trả vào số tài khoản công ty hoặc đưa tiền mặt cho nhân viên. Với mức lương cứng là 7 triệu đồng/tháng, Hiếu sẽ được thêm hoa hồng nếu đòi nợ thành công.

Trào lưu bùng nợ lây lan, nhân viên thu nợ đòi bỏ việc - 1

Các công ty tài chính đang đối mặt với trào lưu "xù" nợ lan rộng (Ảnh: Thảo Thu).

Nhưng trải nghiệm đi đòi nợ khó hơn những gì Hiếu từng hình dung. "Đến nhà 10 người thì may ra có một người chịu trả nợ, mà họ cũng trả một phần chứ hiếm người trả được hết. Như thể tôi đi lạy lục đòi tiền, trong khi họ mới là người vay", Hiếu kể.

Nhiều lần, Hiếu còn là người "hứng" hết cơn giận dữ của những người vay nợ. Tuần trước, đi hơn 15km đến nhà "con nợ", Hiếu bị chửi ngược do người vay bức xúc vì lãi quá cao. "Rõ ràng họ đã thỏa thuận trước với công ty, tôi không hiểu được", Hiếu nói.

"Nhưng ít nhất vẫn gặp được người vay, nhiều lần tôi còn đi không công. Đến địa chỉ song không phải nhà người ta. Nhiều lần khác thì gọi không được, họ đã thay số để trốn nợ", Hiếu kể.

Tất cả những lần không đòi được nợ, không chỉ dừng lại ở việc mất công, mất sức, Hiếu còn bị ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập. Nguyên nhân là để có thêm hoa hồng ngoài mức lương cứng, Hiếu bắt buộc phải đòi được nợ. Hiếu thường phải "đeo bám" một "con nợ" trong vòng một tháng. Với trường hợp quá hạn không đòi được, cậu sẽ báo cáo về cho công ty. Công ty sẽ gửi bộ phận khác để bán nợ cho các đơn vị khác chuyên đi thu mua nợ.

Trải nghiệm bức xúc nhất với Hiếu suốt 3 tháng làm việc là bị các con nợ "khủng bố". Nhiều lần, ban ngày đi làm, tối về bị nhiều số lạ gọi điện chửi và dọa dẫm. Trên mạng xã hội, Hiếu cũng tham gia các nhóm những người chuyên bùng nợ. "Tham gia vì tò mò nhưng một lần, tôi thấy người vay rao thông tin tôi trên các hội nhóm này, nhờ đồng bọn gọi điện chửi", Hiếu kể. Cậu đang tính hết tháng này sẽ tiếp tục tìm kiếm công việc mới.

Khách vay thách thức người thu nợ

Khác với Hiếu, chuyên thu nợ tại nhà người vay, Trần Khoa (29 tuổi, TPHCM) chủ yếu thu nợ qua điện thoại.

Xuất phát điểm là nhân viên sale mỹ phẩm, nhưng làm lâu muốn đổi nghề, Khoa tìm vận may ở công ty thu nợ với mức lương khởi điểm 6 triệu đồng/tháng.

2 năm gắn bó với công việc này, Khoa cho biết không ít lần bị những người chây ỳ trả nợ thách thức.

Trào lưu bùng nợ lây lan, nhân viên thu nợ đòi bỏ việc - 2

Các hội nhóm chuyên bùng nợ có cả trăm nghìn thành viên (Ảnh: Thảo Thu).

Công việc chính của Khoa là gọi điện cho các "con nợ" đòi tiền. Thời gian đòi nợ trước khi gửi thông tin khách sang các công ty thu mua nợ là một tháng. Trong một tháng này, Khoa phải làm đủ cách để đòi nợ. "Nhiều lần gọi đòi nợ, họ kêu không trả và không sợ bị đòi, thách thức có giỏi thì báo công an", Khoa bức xúc nói và mong người vay hiểu được câu chuyện vay văn minh, trả văn minh.

Thực tế, công ty tài chính là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, được cấp phép huy động vốn cho vay, đầu tư, cung ứng dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ như cho vay, phát hành thẻ tín dụng và chịu trách nhiệm theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Hợp đồng vay giữa khách hàng và công ty có những yếu tố tối thiểu như thời hạn vay, khoản tiền vay, lãi suất vay, phí khi vay…

Làn sóng cố tình bùng nợ xuất hiện trên các trang mạng xã hội với hàng trăm nghìn thành viên chia sẻ kinh nghiệm. Những người này thường hướng dẫn người vay đăng ký ứng dụng thay vào các số điện thoại lạ, điền thông tin email, địa chỉ và số điện thoại "ảo" công ty nơi làm việc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người không vay tiền cũng bị nhân viên công ty tài chính, nhân viên công ty tín dụng đen gọi điện "khủng bố" đòi nợ.

Trào lưu này kéo dài khiến nhiều nhân viên thu hồi nợ tính đến chuyện bỏ việc do không có thu nhập. Hữu Toản (28 tuổi, TPHCM), một nhân viên thu nợ qua điện thoại cho biết một năm nay thu nhập của cậu bị ảnh hưởng nặng nề. "Lương tôi thậm chí không bằng đi làm công nhân. Tôi đang tính sẽ nghỉ việc và đi bán thực phẩm chức năng", Toản nói.

"Công ty có rất nhiều người nghỉ việc khi việc đòi nợ ngày càng trở nên khó khăn. Trước đây, thu nhập vẫn đủ sống song sau đợt dịch Covid-19 việc đòi nợ trở nên khó khăn hơn", Toản kể thêm.

Chưa kể, thu nợ vốn là công việc đặc thù. Toản bộc bạch: "Nhiều bạn bè, họ hàng không hiểu, vẫn bảo tôi làm nghề chuyên đi bốc bát họ. Một số người ở quê còn nói tôi lên thành phố làm xã hội đen. Nhiều lần giải thích rồi, nhưng tôi nghĩ tốt nhất là chuyển việc trong bối cảnh này".

Trào lưu bùng nợ lây lan, ảnh hưởng gì?

Chuyên gia tư vấn tài chính Nguyễn Thanh Minh, Thành viên ban điều hành hoạch định tài chính cá nhân của Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, Tổng giám đốc OneSecond Việt Nam, nhận định việc các hội nhóm bùng nợ hoạt động công khai và lộng hành càng khiến người vay hình thành tâm lý bùng nợ tập thể.

"Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhóm người nghèo có nhu cầu vay tiền thật, nếu công ty tài chính không muốn cho vay mới trước làn sóng không trả nợ", chuyên gia cho hay.

Trào lưu bùng nợ lây lan, nhân viên thu nợ đòi bỏ việc - 3

Chuyên gia cho rằng những người thu nhập thấp có nhu cầu vay thật sẽ bị ảnh hưởng nếu trào lưu bùng nợ lây lan mạnh (Ảnh: Thảo Thu).

Chưa kể, chế tài với khách hàng như vậy vẫn còn thấp, trong khi việc khởi kiện khó thực hiện với các khoản nợ giá trị nhỏ và các khoản vay bị người vay dùng thông tin "ảo".

Ông Minh cũng nhận định nạn tín dụng đen có thể nhân cơ hội này bùng lên mạnh khi người vay có thu nhập thấp, mức vay nhỏ không còn kênh nào khác.

Khác với công ty tài chính, tín dụng đen là hình thức cho vay dân sự giữa các cá nhân, tổ chức không qua hệ thống tín dụng chính thức, hiện phổ biến vay qua app điện thoại hoặc qua website. Nếu vay qua app, người dùng phải mở các quyền truy cập trên điện thoại cá nhân như danh bạ, tin nhắn, đồng bộ google và lịch sử cuộc gọi. Còn vay qua website sẽ phải để lại đường link dẫn tới các trang mạng xã hội của bản thân, zalo... Mức lãi suất thỏa thuận miệng khi vay tín dụng đen lên tới 100%-1.000%, đôi khi làm người vay không trả nổi và bị "khủng bố" đòi nợ. Nhiều người lâm cảnh túng quẫn vì vay tiền.

Ông Minh nhận định cần có những giải pháp và hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý để hạn chế bớt trào lưu lây lan này.

Ngoài ra, ông gợi ý việc thiết lập hệ thống đánh giá tín nhiệm tài chính trong bối cảnh mọi dữ liệu của người dân đều được số hóa.

Cụ thể, hệ thống này sẽ đánh giá thu nhập, thói quen tín dụng, khả năng trả nợ… của mỗi cá nhân, từ đó làm cơ sở cho các ngân hàng, công ty tài chính giải ngân cho khách hàng.