Vay vài triệu đồng, cố tình bùng nợ các công ty tài chính liệu có bị đi tù?

Mộc An

(Dân trí) - Khách mời ChatToday số ngày 16/3 sẽ chia sẻ về những vấn đề nóng xung quanh việc vay tiêu dùng tại các công ty tài chính.

Cách đây vài ngày, công an TPHCM phối hợp với Công an quận Gò Vấp khám xét trụ sở và các chi nhánh của Công ty cổ phần Kinh doanh F88 tại TPHCM. Cơ quan chức năng nghi ngờ công ty này thông qua hoạt động cho vay để cưỡng đoạt tài sản.

Hiện dấy lên nhiều tranh cãi xung quanh hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính cũng như cách hành xử từ phía những người đi vay.

Về phía người đi vay, 2 vấn đề "nóng" được dư luận quan tâm là mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính được ví như "cắt cổ" và những phương thức thu hồi nợ cực đoan.

Ngược lại, phía các công ty tài chính cũng đối diện với tình huống có những đối tượng đi vay và cố tình bùng nợ. Thậm chí trên mạng xã hội xuất hiện các hội nhóm lên tới hàng trăm nghìn thành viên chia sẻ nhau cách để chây ì, không trả nợ vay. Những cách họ chia sẻ có thể kể đến như xóa số điện thoại, xóa tài khoản mạng xã hội, khai sai thông tin địa chỉ hay nghỉ việc.

ChatToday số 16/3 sẽ là những chia sẻ của khách mời luật sư Nguyễn Thanh Hà. Luật sư Hà hiện là chủ tịch Công ty luật SBLaw, đồng thời là giảng viên thỉnh giảng bộ môn Pháp luật kinh doanh, Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp. 

Bình luận về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, khách mời ChatToday, cho biết người đi vay phải hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của mình. Bên cho vay có thể sử dụng các biện pháp dân sự và hình sự để xử lý các khoản vay đó. Họ có quyền đòi nợ, khởi kiện ra tòa, yêu cầu trả cả gốc lẫn lãi.

Trong trường hợp các công ty tài chính chứng minh được người đi vay có khả năng trả nợ nhưng chây ì không trả và có ý định chiếm đoạt tài sản, Bộ Luật hình sự có quy định về tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình phạt tối đa có thể 20 năm tù đến chung thân.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, luật sư Hà cho rằng các biện pháp đòi nợ cực đoan như liên tục gọi điện làm phiền, đe dọa của các công ty tài chính hay các công ty đòi nợ thuê cũng là vi phạm pháp luật.

Bản thân ông cũng từng rơi vào tình huống bị làm phiền khi có người quen vay nợ tài các công ty tài chính. Thậm chí những đối tượng đòi nợ còn sử dụng ảnh cá nhân của luật sư Hà để ghép vào hình bàn thờ và đăng tải trên mạng xã hội. Đấy là trải nghiệm rất tiêu cực.

Vay vài triệu đồng, cố tình bùng nợ các công ty tài chính liệu có bị đi tù? - 1

Gần đây tại TPHCM có vụ việc bắt 13 người chuyên cắt ghép hình ảnh, gọi điện vu khống để đòi nợ (Ảnh: DT).

Luật sư Hà cho rằng hiện thị trường tài chính vi mô rất tiềm năng nhưng tại Việt Nam còn nhiều kẽ hở trong pháp luật nên xuất hiện những biến tướng từ việc cho vay, đòi nợ như hiện nay.

Tại các nước, dịch vụ cung cấp tài chính vi mô đã phát triển mạnh mẽ và có hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ để quản lý hiệu quả. Chuyên gia Hà cho rằng Việt Nam nên đúc rút kinh nghiệm, học hỏi từ các nước khác trong việc xây dựng hành lang pháp lý quản lý, đơn giản hóa quy trình thu hồi nợ bằng biện pháp dân sự đối với những khoản vay nhỏ dưới 100 triệu đồng.

Khi làm được những điều này, thị trường tài chính vi mô sẽ phát triển đúng hướng và ngăn chặn được vấn nạn tín dụng đen phát triển.

ChatToday là talkshow với các nhân vật liên quan tới những vấn đề về kinh tế. Sản phẩm này do các thành viên Ban Kinh tế, Báo điện tử Dân trí lên ý tưởng và triển khai thực hiện.

Xuất hiện trên Dân trí và các nền tảng mạng xã hội của báo vào 9h ngày 1 và 16 hàng tháng, ChatToday đem đến những câu chuyện của nhân vật khách mời hoặc các góc nhìn, quan điểm của họ về một chủ đề kinh tế đang được bạn đọc quan tâm.