5-10 năm nữa, doanh nghiệp Việt đã bán cho nước ngoài có thể được ta mua lại

(Dân trí) - “Có khi 5-10 năm nữa, các doanh nghiệp (DN) Việt sẽ mua lại được chính DN của mình mà bị các ông lớn nước ngoài mua bây giờ. Việc mua bán này cũng là chuyện bình thường thôi”.

Đó là nhận định của ông Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tại diễn đàn “10 năm phát triển ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam và thách thức của tương lai” được tổ chức vào chiều nay (12/12).

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng ngành bán lẻ là một trong những ngành thu hút dòng vốn mua bán - sáp nhập (M&A) nhất tại thị trường Việt Nam. (Ảnh: Hồng Vân)
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng ngành bán lẻ là một trong những ngành thu hút dòng vốn mua bán - sáp nhập (M&A) nhất tại thị trường Việt Nam. (Ảnh: Hồng Vân)

Cụ thể, ông Đoàn cho biết, nếu nhìn lại thị trường bán lẻ Thái Lan khoảng 5 năm trước thì DN bán lẻ nước này cũng đều do DN nước ngoài thống lĩnh.

“Theo đó, 5 năm trước, khoảng 80% thị trường bán lẻ Thái Lan bị thống lĩnh bởi các tập đoàn nước ngoài”, ông Đoàn nói.

Tuy nhiên, các DN Thái Lan sau đó lại tích tụ được vốn, bên cạnh đó, họ có ngân hàng hỗ trợ vốn, nhà nước hỗ trợ về luật pháp,... Do đó, họ mua lại được các DN của Thái đã từng bán cho nước ngoài.

Thậm chí, như chúng ta thấy, các ông lớn Thái Lan này còn sang cả Việt Nam để mua lại các DN Việt, và tiêu biểu là các vụ mua lại DN bán lẻ của nước ta như Big C hay Metro.

Theo đó, ông Đoàn cho rằng: “Có khi 5-10 năm nữa, các DN Việt sẽ mua lại được chính DN của mình đã bị các ông lớn nước ngoài mua bây giờ. Việc mua bán này cũng là chuyện bình thường thôi”.

Thêm nữa, ông Đoàn cho biết, nếu không đồng tình với các cam kết mở cửa hội nhập của Việt Nam chính là đi ngược lại với xu hướng của thế giới.

Bởi hiện nay, hàng hóa, sản phẩm của nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Đức,... tràn lan trên thị trường và còn có nhiều cửa hàng bán lẻ chỉ chuyên bán hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng hàng hóa nước nào là do người dân quyết định, loại nào tốt, bền, giá thành hợp lý thì người tiêu dùng sẽ mua.

“Hàng hóa tiêu dùng trên thị trường là do người tiêu dùng quyết định chứ không phải do hệ thống cửa hàng quyết định trực tiếp nhu cầu người tiêu dùng”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nói.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, làm thế nào để hài hòa quyền lợi người tiêu dùng với các nhà đầu tư bán lẻ trong nước và nước ngoài là mục tiêu ưu tiên hàng đầu hiện nay.

“Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tất nhiên đều sẽ có lợi và thiệt, tuy nhiên, chúng ta cần cởi mở hội nhập. Làm thế nào để các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và kết hợp được với các DN trong nước là tốt nhất”, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết.

Theo đó, các chuyên gia nhận định rằng, thà các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cùng có lợi còn hơn DN trong nước đứng một mình mà không đủ công nghệ, năng lực và vốn.

Do vậy, các chuyên gia cũng muốn có kiến nghị với cơ quan Chính phủ cũng như Bộ Công Thương nhằm ra những chính sách, luật và văn bản hợp lý trong bối cảnh hội nhập toàn cầu này.

Về khía cạnh này, vị Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, có nhiều DN bán lẻ nước ngoài sẵn sàng xuất khẩu hàng Việt Nam sang nước họ và cả những nước khác để bán trong những cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị và nếu Bộ Công Thương yêu cầu thì họ đồng ý cam kết.

Ngoài ra, tại diễn đàn, các chuyên gia cũng cho rằng ngành bán lẻ hiện đại tại Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa nếu không muốn xảy ra nguy cơ không thực hiện được mục tiêu chiếm 40% thị phần của thị trường bán lẻ vào năm 2020.

Hồng Vân

5-10 năm nữa, doanh nghiệp Việt đã bán cho nước ngoài có thể được ta mua lại - 2