1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

"Bán mình" cho đối tác ngoại, doanh nghiệp Việt đã "chán" kinh doanh?

(Dân trí) - Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài chiếm phần chủ chốt trong các thương vụ M&A, một câu hỏi đặt ra rằng có phải doanh nghiệp Việt đang không mấy mặn mà với hoạt động kinh doanh ngay chính tại trong nước? Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây hoàn toàn không phải là lý do cơ bản dù đâu đó vẫn có doanh nghiệp "bán mình" vì không còn muốn kinh doanh.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Thông tin từ Ban tổ chức Diễn đàn mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam 2017 (M&A Vietnam Forum 2017) cho biết, thị trường mua bán sáp nhập (M&A) của Việt Nam rất giàu tiềm năng. Theo thống kê, năm 2016, thị trường này đã chạm mốc 5,8 tỷ USD trong năm 2016 – tăng 11,92% so với năm 2015 và mức kỷ lục từ trước đến nay.

Nhà đầu tư nước ngoài giữ vai trò chủ yếu

Đáng lưu ý, yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực, điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong một số lĩnh vực như bất động sản, sản xuất đã bắt đầu có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ vai trò là người mua chủ yếu tại thị trường Việt Nam.

Trong khi nhà đầu tư Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm thì Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại, Thái Lan lại hướng mục tiêu đến mảng bán lẻ và vật liệu – hoá chất với mục tiêu mở rộng thị trường. Nhà đầu tư Hàn Quốc thực hiện chủ yếu các thương vụ trong mảng thực phẩm và tài chính ngân hàng.

Tổng giá trị M&A của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 77% tổng giá trị M&A toàn thị trường. Trong đó, đa số các thương vụ có quy mô lớn hơn 20 triệu USD gần như đều có mặt của bên mua hoặc bên bán là nhà đầu tư ngoại.

Một đặc điểm đáng chú ý là xu hướng các tập đoàn quốc tế mua lại các khoản đầu tư từ các quỹ đầu tư. Các quỹ đầu tư sau một thời gian nắm giữ có thể thoái khoản đầu tư để hiện thực hóa lợi nhuận, trong khi đó các công ty nước ngoài có thể mua một lượng cổ phần lớn, thậm chí có thể chi phối hoặc có vai trò lớn trong công ty mục tiêu. Với xu hướng này, các quỹ đầu tư và các tổ chức trung gian đang đóng vai trò là xúc tác cho các thương vụ.

Điển hình như thương vụ mua lại của Domesco năm 2014 và Công ty Nhật Bản Taisho mua lại các khoản đầu tư để chiếm 24% cổ phần của Dược Hậu Giang năm 2016. Các công ty mà nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ cao có thể là những đối tượng cho các thương vụ M&A lớn trong tương lai. Ví dụ như Dược Hậu Giang, Vinamilk, Traphaco…

Người Việt đang "chán" kinh doanh?

Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài chiếm phần chủ chốt trong các thương vụ M&A, một câu hỏi đặt ra rằng có phải doanh nghiệp Việt đang không mấy mặn mà với hoạt động kinh doanh ngay chính tại trong nước? Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây hoàn toàn không phải là lý do cơ bản dù đâu đó vẫn có doanh nghiệp bán mình vì không còn muốn kinh doanh.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý trung ương (CIEM) cho rằng, có nhiều lý do để một thương vụ M&A diễn ra, và một trong số những lý do chính là để “chống thôn tính”.

"Những doanh nghiệp không thể chống đỡ nổi trong môi trường cạnh tranh khốc liệt sẽ bị thâu tóm, sáp nhập. Thông qua đó các doanh nghiệp đi thâu tóm có thể mở rộng thị trường và tận dụng những gì có sẵn. Trong khi đó, có những trường hợp, doanh nghiệp bắt đầu một hoạt động kinh doanh với mục đích cuối cùng là bán lại khi có mạng lưới kinh doanh nhất định, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với ban đầu. Cũng có một số trường hợp người kinh doanh không muốn kinh doanh vì gặp khó khăn về thị trường, chính sách nhưng không cơ bản", ông Hiếu nói.

Theo vị chuyên gia: "Khi M&A tăng không phải là do người Việt Nam không muốn kinh doanh nữa mà nói đúng hơn thì là do người nước ngoài muốn vào Việt Nam để kinh doanh. Bên cạnh đó, đầu tư qua M&A cũng có nhiều lợi thế về kế thừa lại hoạt động kinh doanh có sẵn. Các doanh nghiệp nước ngoài khi thực hiện các thương vụ M&A ở Việt Nam sẽ tiết kiệm các chi phí ban đầu cũng như tận dụng những điều kiện sẵn có của doanh nghiệp".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, cố vấn cao cấp Diễn đàn M&A cũng cho rằng, khi bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, không phải người Việt từ bỏ kinh doanh mà là cùng đối tác nước ngoài nâng cao hiệu quả điều hành, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Tuấn dẫn trường hợp như Vietinbank, Vietcombank thông qua M&A có thể cùng hợp tác để dẫn dắt công ty hiệu quả hơn. Vinashin, Vinalines bán khối tài sản bỏ không, thu hẹp lĩnh vực hoạt động để có vốn kinh doanh các lĩnh vực hiệu quả khác. Vingroup bán lại dự án không phải vì từ bỏ lĩnh vực bất động sản mà chuyển sang đầu tư các dự án mới.

"Bán lại doanh nghiệp, dự án không có nghĩa hoàn toàn là người Việt không muốn kinh doanh. Chưa kể, với những trường hợp doanh nghiệp ngoại mua lại hoàn toàn doanh nghiệp nội đang làm ăn không hiệu quả nhưng sở hữu tài sản lớn thì việc làm này là cần thiết để có nguồn vốn chuyển sang kinh doanh những thứ khác", ông Tuấn nói.

Còn theo ông Nguyễn Quang Bảo, Phó TGĐ Công ty chứng khoản Bản Việt, trong nhiều thương vụ M&A lý do quan trọng để doanh nghiệp Việt bán cho nhà đầu tư nước ngoài là bởi nhu cầu về mở rộng vốn nhằm phát triển.

"M&A không chỉ đơn thuần là không muốn kinh doanh, nếu nhìn tỷ lệ bán cho nhà đầu tư nước ngoài nhiều thì chưa đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp sau 1 giai đoạn muốn mở rộng thì phải huy động thêm vốn, kêu gọi nhà đầu tư mới vào tham gia quản trị. Nếu cứ duy trì hoạt động như cũ thì sẽ bị các doanh nghiệp quy mô lớn, năng lực quản trị tốt hơn đè bẹp, nên việc chọn M&A là bước để nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động, sức cạnh tranh về thị trường rất tiềm năng vì là thị trường mới, đang phát triển", ông Bảo nói.

Ông Bảo cũng đề cập tới trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài ngoài đầu tư lấy hiệu quả thì họ cũng nhìn thấy những đối tượng tiềm năng kinh doanh cạnh tranh với họ trong tương lai.

"Doanh nghiệp Việt hiện có thể chưa đầu tư ra nước ngoài nhưng vài năm tới hoàn toàn có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài họ nhìn thấy và lường trước doanh nghiệp này có thể cạnh tranh chính mình nên nếu đầu tư sẽ giúp kiểm soát được thị trường, tránh rủi ro trong tương lai", ông Bảo nói thêm.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm