Bình Định:

47 chủ tàu nợ quá hạn ngân hàng 225 tỷ đồng

(Dân trí) - Tổng nợ quá hạn gốc và lãi ngân hàng trong hoạt động tín dụng vay vốn đóng tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định theo Nghị định 67 hiện chiếm 225 tỷ đồng.

47 chủ tàu nợ quá hạn ngân hàng 225 tỷ đồng - 1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chủ trì cuộc họp.

Hôm qua (6/12), UBND tỉnh Bình Định tổ chức họp giải quyết một số vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh này.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, hiện có 47 chủ tàu bị nợ quá hạn gốc và lãi ngân hàng với tổng số tiền là 225 tỷ đồng (gốc 108 tỷ đồng và lãi 117 tỷ đồng). Theo quy định các chủ tàu này không được Nhà nước hỗ trợ lãi suất do theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Thông tư 114/2014/TT-BTC (Thông tư 123/2018/TT-BTC), do vậy sẽ bị chuyển sang nợ quá hạn.

47 chủ tàu nợ quá hạn ngân hàng 225 tỷ đồng - 2
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bình Định nói về khó khăn khi ngư dân không trả nợ ngân hàng.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho rằng, việc thu hồi nợ rất khó khăn do nhiều nguyên nhân như: các ngân hàng thương mại cho vay không quản lý được nguồn thu của chủ tàu; tàu cá hoạt động khai thác di chuyển ngư trường về bán cá tại các cảng cá ngoài tỉnh, việc kiểm tra, giám sát doanh thu khai thác gặp nhiều khó khăn.

Hầu hết các chủ tàu cung cấp thông tin về hiệu quả đánh bắt không chính xác, luôn báo lỗ mặc dù sản xuất có hiệu quả làm ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ vay

“Các chủ tàu sau khi được vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 có ý định chây ỳ, không có thiện chí trả nợ vay ngân hàng và cho rằng đây là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nên có ý định trông chờ, có ý tưởng ỷ lại không trả nợ ngân hàng. Khi hoạt động khai thác không có hiệu quả làm đơn giao lại tàu cho cơ quan có thẩm quyền”, ông Phúc thông tin.

47 chủ tàu nợ quá hạn ngân hàng 225 tỷ đồng - 3
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn phát biểu tại cuộc họp.

Cũng theo ông Phúc, một số chủ tàu so bì, rủ rê, lôi kéo theo số đông các chủ tàu khác không trả nợ ngân hàng do có một số chủ tàu làm ăn có hiệu quả, không trả nợ ngân hàng nhưng vẫn hoạt động bình thường.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cho vay chưa xử lý các trường hợp chủ tàu sản xuất có hiệu quả nhưng không trả nợ theo quy định để răn đe, giáo dục chung.

Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết, trong 15 tàu vỏ thép và 1 tàu composite thì có 11 chiếc đóng của 2 công ty TNHH Đại Nguyên Dương và công ty TNHH MTV Nam Triệu. Trong đó, có 3 chiếc tàu dịch vụ hậu cần năm bờ, 8 tàu còn lại khi đưa vào hoạt động bị hư hỏng, nằm bờ sửa chữa cả 1 năm trời. Trong khi đó, ngân hàng không khoanh nợ nên lãi dồn dập, chỉ 5 tàu làm ăn có hiệu quả nên trả lãi đều đặn. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018, 5 chủ tàu này thấy 11 chủ tàu kia không trả lãi nên có tâm lý ỉ lại không trả nợ ngân hàng.

“Khó khăn hiện nay, nhiều tàu hết hạn bảo hiểm nên đề nghị công ty bảo hiểm sớm bán lại bảo hiểm cho ngư dân. Nếu không ngư dân sẽ lấy cớ công ty bảo hiểm không bán bảo hiểm để tiếp tục chây ì không trả nợ. Đồng thời, khi đánh giá lại giá trị con tàu yêu cầu các chủ tàu phải bổ sung vào tài sản thế chấp để ngư dân có trách nhiệm hơn. Bây giờ chủ tàu cứ ỉ vào đây là tiền của ngân hàng, tiền Nhà nước hết, chủ tàu không có tài sản gì thế chấp thì khi xử lý nợ sẽ rất khó khăn”, ông Hương kiến nghị.

Tại cuộc đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bình Định mong muốn qua cuộc họp này lãnh đạo tỉnh Bình Định có đề xuất, kiến nghị Chính phủ sửa đổi cơ chế bảo đảm tiền vay theo Nghị định 67, nghĩa là hộ vay phải bổ sung tài sản.

“Hộ vay phải bổ sung tài sản bảo đảm là bất động sản thì ngân hàng an mới tâm hơn. Bởi, thực tế khi con tàu xuống cấp mà hộ vay thì không trả nợ theo đúng quy định thì tương đương với giá trị tiền vay không thu về được nữa. Trong khi đó, thực tế nhiều hộ vay có nhà cửa rất to, khang trang nhưng không đưa vào bảo đảm cho giá trị khoản vay”, vị đại diện Ngân hàng Agribank cho biết.

47 chủ tàu nợ quá hạn ngân hàng 225 tỷ đồng - 4
Lãnh đạo tỉnh Bình Định khẳng định các tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 đều đánh bắt hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều ngư dân thì cho rằng bị thua lỗ và đang gặp khó khi bảo hiểm hết hạn nên không thể ra khơi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho rằng, ngoài 3 tàu vỏ dịch vụ hậu cần do xác định chủ trương ban đầu không đúng tàu không hoạt động nên không có tiền trả nợ ngân hàng. Còn tất cả các tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 hoạt động đều có lãi.

“Ngư dân xuất bến, Nhà nước hỗ trợ tiền dầu, được bảo hiểm thân tàu, vỏ tàu, bảo hiểm con người… Ngư dân chỉ tốn một khoản kinh phí rất ít về đá, thức ăn trong thời gian khai thác trên biển. Tôi khẳng định tất cả các tàu đóng theo Nghị định 67 không lỗ mà ở đây có lãi. Chính vì vậy, Nhà nước mới giữ lại Nghị định 67 và chuyển sang Nghị định 17. Những tàu khai thác có lãi nhưng cố tình lấy lý do thua lỗ để chậm trả nợ cho ngân hàng cũng vì tư tưởng ỉ lại, cứ nghĩ còn tàu là của Nhà nước”, ông Châu nói.

Doãn Công