Trung Quốc:

40 tấn thịt lợn "bẩn" bị tuồn ra thị trường

(Dân trí) - Khi mà vụ bê bối thịt chuột giả thịt cừu, thịt lợn được “hô biến” thành thịt bò còn chưa kịp lắng xuống, dư luận tại Trung Quốc lại xôn xao về vụ việc 40 tấn xác lợn chết vì nhiễm bệnh phải tiêu hủy bị tuồn ra chợ tại tỉnh Phúc Kiến mới đây.

Theo tờ nhật báo Thượng Hải, cảnh sát tại huyện Nam Kinh, thành phố Chương Châu tỉnh Phúc Kiến đã bắt giữ một phụ nữ 44 tuổi họ Lin cùng một người đàn ông 33 tuổi họ Wu sau khi phát hiện một đường dây chuyên chế biến lợn chết phải tiêu hủy.

Những vụ scandal thịt “bẩn” liên tục được phát hiện tại Trung Quốc
Những vụ scandal thịt “bẩn” liên tục được phát hiện tại Trung Quốc

Các nghi phạm thừa nhận, trong vòng 3 tháng, đường dây này đã tuồn ra thị trường các tỉnh lân cận khoảng 40 tấn lợn chết, thu lời hơn 3 triệu nhân dân tệ, tương đương 487.500 USD. Hai nghi phạm nêu trên đã thuê 3 công nhân, hiện đã bỏ trốn, để chế biến và đóng gói lợn chết trước khi đưa đi tiêu thụ.

Nguồn tin trên cho biết, cả 2 nghi phạm trên trước đó đã được chính quyền địa phương thuê để tiêu hủy những con lợn bị chết vì một loại bệnh do virus gây ra có tên bệnh dại giả, cũng như số lợn chết vì bệnh tai xanh.

Lin, nghi phạm chính, đã nhận thấy đây là một cơ hội kiếm lời tốt nên đã bỏ tiền mua gom lợn chết từ người dân địa phương với mức giá rẻ mạt, từ 540 đồng – 4400 đồng/kg, cũng như thu lượm xác lợn chết bị vứt bỏ bên đường.

Hoạt động kinh doanh bất chính của những kẻ này lớn đến mức chúng đã phải thuê một kho đông lạnh lớn để chứa hàng. Sau khi bị cảnh sát phát hiện, một giám sát kho lạnh họ Xie cũng đã bị bắt.

Chỉ trong vòng 3 tháng, khoảng 40 tấn thịt lợn bệnh, lợn chết kiểu này đã được bán cho các cơ sở chế biệt thịt lợn tại các tỉnh Quảng Đông, Hồ Nam và Giang Tây. Toàn bộ số thịt này có lẽ đã được tiêu thụ bởi khách hàng tại các nhà hàng ở 3 tỉnh nêu trên.

Ngoài số thịt lợn “bẩn” đã tiêu thụ, cảnh sát còn tìm thấy 25 tấn xác lợn chết trong một kho hàng của đường dây này cùng một xe tải chứa 7 tấn lợn chết. Sau khi kiểm nghiệm, số lợn chết này đều dương tính với các loại bệnh truyền nhiễm cao.

Thông tin này ngay lập tức khiến cư dân mạng tại các địa phương nêu trên giận dữ. Một số người còn kiến nghị phải xử tử những kẻ kinh doanh vô đạo đức, trục lợi bất chính. Trong khi đó nhiều người khác khẳng định không còn cảm thấy an toàn khi ăn các loại thịt tại Trung Quốc.

Mới tuần trước, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ khoảng 900 người trong một đợt truy quét kéo dài 3 tháng những kẻ kinh doanh thịt “bẩn”. Trong đó có 63 nghi phạm bị nghi bán thịt chuột, thịt cáo và chồn dưới mác thịt cừu.

Báo giới Trung Quốc hôm qua còn khẳng định những lát thịt cừu mỏng được phục vụ trong các nhà hàng lẩu tại nước này thường được trộn lẫn với các loại thịt không rõ nguồn gốc và thịt của nhiều loài động vật khác.

Trước sự hoang mang lên cao của dân chúng, một trang blog chính thức của truyền hình trung ương Trung Quốc đã phải mở riêng một mục hướng dẫn người dân phân biệt thịt lợn an toàn với thịt lợn bệnh. Những yếu tố chính được đưa ra để phân biệt đó là: mùi, độ đàn hồi của thịt và màu sắc bên ngoài.

Như vậy, chỉ tính từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng Trung Quốc đã khám phá ít nhất ba đường dây kinh doanh lợn chết, lợn bệnh quy mô lớn. Trước đó hồi tháng 3, một tòa án tại tỉnh Chiết Giang đã tuyên phạt 46 người trong một đường dây kinh doanh thịt lợn “bẩn” trong suốt thời gian từ 2010 đến 2012. Tang vật thu được tại thành phố Wenling là 6,2 tấn thịt lợn nhiễm bệnh.

Hồi năm ngoái, cảnh sát tại tỉnh Giang Tây cũng đã bắt giữ 12 nghi phạm cùng số tang vật là gần 12 tấn thịt lợn “bẩn”.

Trong khi đó năm 2009, ít nhất 70 người tại tỉnh Quảng Đông của nước này đã bị bệnh sau khi ăn phải các sản phẩm thịt lợn chứa nhiều phụ gia bị cấm, trong đó có loại thuốc tăng độ nạc clenbuterol. Đây là một loại chất phụ gia bị cấm trong chăn nuôi bởi có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người tiêu dùng.

Thanh Tùng
Tổng hợp