27 doanh nghiệp Mỹ sắp "bỏ" Trung Quốc sang Indonesia, Việt Nam có bị lỡ?
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đón làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là khả năng hấp thụ luồng vốn này.
Thu hút FDI, nên có cách tiếp cận trực diện
Mới đây, dư luận xôn xao về thông tin Indonesia đã tranh thủ “đón lõng” các công ty Mỹ trong diện di dời sản xuất từ Trung Quốc sang.
Thông tin này bắt nguồn từ một tin trên trang Policy Times (Ấn Độ) đăng ngày 16/5. Theo đó, trang tin này khẳng định trong một cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định dời 27 nhà máy Mỹ từ Trung Quốc sang Indonesia.
Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SSI cho rằng, thu hút được các công ty Mỹ dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam sẽ mang lại lợi ích lớn cho kinh tế Việt Nam.
Nhấn mạnh đây là “cơ hội hiếm có” nhưng có thể nắm bắt được hay không, theo ông Hưng, lại là một vấn đề rất lớn.
Bình luận về thông tin “27 công ty Mỹ sắp di dời nhà máy từ Trung Quốc tới Indonesia”, ông Hưng cho rằng: Họ có cách tiếp cận trực diện.
“Cần phải tìm hiểu xem các nhà đầu tư cần những gì để dịch chuyển và trao đổi trực tiếp chứ không chỉ chung chung. Việc tiếp cận trực diện là cách làm hiệu quả”, ông Hưng bình luận.
Ông John Campbell – Quản lý Bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills TP.HCM cho biết hiện đang có rất nhiều công ty Mỹ và Nhật Bản dần rời khỏi thị trường Trung Quốc và Việt Nam được cho là lựa chọn hàng đầu thay thế cho sự chuyển đổi này.
Tuy nhiên vị chuyên gia này lại không nghĩ rằng một lượng lớn công ty và nhà đầu tư đang rời khỏi thị trường Trung Quốc nhưng nhiều trong số họ đang chọn Indonesia/ Thái Lan thay vì Việt Nam.
“Tôi không thực sự đồng tình với ý kiến cho rằng nhiều công ty đang có xu hướng chọn Indonesia và Thái Lan thay vì Việt Nam, vì nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng Việt Nam là sự lựa chọn hợp lý và rõ ràng nhất ở khu vực Đông Nam Á”, ông John Campbell nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, đối với các công ty Nhật Bản, họ đã xuất hiện tại Việt Nam xuyên suốt hai mươi năm vừa qua với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất lớn. Đối với các công ty Mỹ, ngay cả từ trước cuộc chiến thương mại, chúng ta đã chứng kiến nhiều công ty Mỹ đầu tư cả tỷ USD vào Việt Nam.
Việt Nam cần chú ý gì trong việc đón sóng FDI đang dịch chuyển?
Mặc dù cho rằng Việt Nam có cơ hội rất lớn từ làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, song theo chuyên gia Savills, cần còn một số những yếu tố trong lĩnh vực công nghiệp cần được nâng cấp và cải thiện, như cơ sở hạ tầng, hậu cần, giá đất...
“Mặc dù đã được cải thiện rất nhiều trong vài năm qua, chi phí hậu cần ở Việt Nam vẫn đang giữ vị trí cao nhất trong khu vực châu Á. Do vậy, dù sẽ mất nhiều thời gian, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, giao thông… vì hiệu quả lâu dài sẽ chắc chắn khiến chi phí này giảm đi rất nhiều”, ông John Campbell nói.
Cũng theo vị này, giá đất cũng đã và đang tăng nhanh trong vài năm qua do nhiều quốc gia quyết định chuyển hướng vào thị trường Việt Nam, khiến nguồn cầu tăng mạnh.
“Đất sản xuất hiện tại và nguồn cung sắp tới đang tạo điều kiện cho đầu tư sản xuất, và chúng ta đang mong chờ nguồn cung nhiều hơn đến từ các vùng trọng điểm”, vị này nói.
Nói với Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng, để thu hút hơn nữa các doanh nghiệp tốt thì cần rất nhiều yếu tố phát triển tương ứng khác như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hệ thống thể chế tương đồng…
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng đón dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc, không chỉ có Việt Nam mà còn nhiều “đối thủ” nặng ký khác.
Do vậy, “nhanh nhạy”, “kịp thời”, “hiệu quả” là những gì vị chuyên gia kỳ vọng vào chính sách của Việt Nam trước làn sóng dịch chuyển vô cùng lớn đang diễn ra.
Đến nay vẫn có những ý kiến trái chiều về hiệu quả chất lượng thu FDI. Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI nhấn mạnh phải chọn lọc ngành nghề và có điều kiện tương đồng với doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển.
Nguyễn Mạnh