1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

2500 tỷ đồng: Món nợ khổng lồ của ngành giao thông

Các doanh nghiệp trong khối xây lắp của ngành giao thông đã và đang phải gánh trên vai một món nợ khổng lồ, lên tới 2.500 tỷ đồng.

Tất nhiên, có món nợ này, không phải tất cả đều do bỏ thầu giá thấp, nhưng rõ ràng, tình trạng này đã giống như một cơn “đại hồng thủy” nhấn chìm các nhà thầu trong chồng chất khó khăn, nợ nần. Điều đáng lo lắng là, dù chưa thoát khỏi cơn bĩ cực của trận "đại hồng thủy" thứ nhất, giờ đây, các nhà thầu rất có thể sẽ phải đối mặt với cơn "đại hồng thủy" thứ hai…

Nguyên nhân dẫn tới cơn đại hồng thủy thứ hai, có lẽ xuất phát từ tình trạng đơn giá của các gói thầu được xây dựng không hợp lý. Đơn giá của các gói thầu được xây dựng trên cơ sở các bảng định mức xây dựng, nhưng định mức này từ nhiều năm nay hầu như không được chỉnh sửa, do vậy lạc hậu, không phù hợp với thực tế.

Theo rất nhiều ý kiến từ Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLC), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1) và một số doanh nghiệp xây lắp khác thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, sự bất hợp lý về đơn giá xây dựng thể hiện rất rõ ở chỗ: đơn giá xây dựng 1 m2 cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, được thi công tại đường Hồ Chí Minh, chỉ chưa tới 5 triệu đồng, trong khi 1 m2 nhà chung cư tại Hà Nội lại được xây dựng đơn giá lên tới 9 triệu đồng.

Kể cả mới nghe qua, hay tính toán chi li thì đều có thể thấy rằng, chi phí cho kết cấu của cầu bê tông có tải trọng H30 - XB80, chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều so với kết cấu nhà cao tầng, đấy là còn chưa kể do địa điểm xây dựng cầu thường ở các vùng xa xôi, nên chi phí vận chuyển nguyên vật liệu, chuẩn bị công trường cũng cao hơn các công trình tại đô thị.

Một bất hợp lý nữa là, tất cả các định mức về chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao máy móc, giá nguyên liệu đều hầu như bất biến từ cuối năm 2001 đến nay, thậm chí có những định mức về chỉ số tiêu hao nhiên liệu cho các loại máy xây dựng đã được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, nay vẫn được áp dụng.

Trong khi đó, chi phí nhân công lại được chỉnh sửa rất nghiêm túc sau mỗi lần điều chỉnh lương. Nhưng đáng tiếc rằng, với việc các thiết bị hiện đại và các công nghệ tiên tiến được áp dụng ngày một nhiều, chi phí nhân công đã giảm dần từ 25% trong cơ cấu giá thành sản phẩm trước đây xuống dưới 10% hiện nay. Do vậy, tính chung lại, định mức về các loại chi phí chẳng thay đổi là bao.

Thêm vào đó, sự bất cập trong tính toán tỷ lệ khấu hao thiết bị cũng đang khiến các nhà thầu gặp khó. Tỷ lệ này hầu như không được chỉnh sửa để phù hợp với sự chuyển động của tỷ giá hối đoái trên thị trường. Các thiết bị như trạm trộn bê tông át phan, xe vận tải hạng nặng… thông thường đều được nhập khẩu từ châu Âu và doanh nghiệp phải trả bằng đồng Euro.

Trong bối cảnh đồng tiền này tăng giá mạnh mẽ (cả so với bản tệ và đồng USD) trong thời gian gần đây, nếu tỷ lệ khấu hao được giữ nguyên thì chi phí đó sẽ rất lớn.

Như vậy, cùng với chi phí khấu hao tăng mạnh, do sự mất giá tương đối của đồng bản tệ so với ngoại tệ mạnh khi nhập khẩu, việc các định mức về tiêu hao nhiên liệu, về sửa chữa định kỳ, về tay nghề công nhân vận hành… được xây dựng không hợp lý, đã khiến cho đơn giá của các gói thầu được xây dựng ngày càng không phù hợp với thực tế. Đơn giá gói thầu thấp thì các nhà thầu khi dự thầu không thể bỏ giá cao hơn, vì thế, vô hình chung đẩy các nhà thầu vào thế buộc phải bỏ giá thầu thấp.

Kịch bản xưa cũ lặp lại, các nhà thầu lại rơi vào tình cảnh nợ nần. Tình trạng này có lẽ còn tồi tệ hơn với các nhà thầu tham gia dự án được tiến hành theo phương thức chỉ định thầu.

Trong bối cảnh này, lại cộng thêm quy định, mà ngay cả các lãnh đạo của các tổng công ty thuộc ngành giao thông cũng không biết từ đâu ra, là buộc phải tiết kiệm 5% trên giá trị thanh toán, khiến các nhà thầu phải “tự chịu lỗ” 5% ngay từ khi khởi công công trình, thì xem ra các nhà thầu đang phải đối mặt với một khó khăn cực kỳ lớn.

Dường như, một cơn đại hồng thủy thứ hai đang tràn đến và sẽ tiếp tục nhấn chìm các nhà thầu xây dựng vào trong “biển nợ”…

Theo Đầu Tư