1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

PGS. TS Nguyễn Đình Thọ:

Cuộc chơi giảm phát thải thay đổi, doanh nghiệp không chuẩn bị sẽ bị loại

Nhật Quang

(Dân trí) - PGS. TS Nguyễn Đình Thọ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói cuộc chơi giảm phát thải đã thay đổi, chúng ta cần sớm thay đổi. Doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn bị thì bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu.

Việt Nam đang làm gì trong "cuộc đua" Net Zero?

Việt Nam đang trong "cuộc đua" hành động để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 với những tuyên bố toàn cầu về chuyển điện than sang năng lượng sạch, không xây nhà máy điện than mới sau năm 2030...

Tại tọa đàm "Net Zero - Cam kết và hành động vì tương lai bền vững" trong khuôn khổ Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam do Báo Dân trí tổ chức chiều 22/5, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết, vấn đề giảm phát thải của Việt Nam bắt đầu khi Việt Nam tham gia Nghị định thư Kyoto.

Cuộc chơi giảm phát thải thay đổi, doanh nghiệp không chuẩn bị sẽ bị loại - 1

PGS. TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: BTC).

Trên thế giới, các nước phát triển cho rằng các quốc gia chưa đạt được mục tiêu giảm phát thải cần có sự phối hợp cả nước phát triển và đang phát triển. Từ đó, các quốc gia có cam kết về đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về giảm phát thải. Hiện nay các nước triển khai 2 dạng cam kết gồm cam kết tự quyết định và cam kết tự quyết định có hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Việt Nam đã điều chỉnh NDC lần thứ 3 đề xuất giảm phát thải về 3,5% cho đến năm 2030 nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Tại COP 26, Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải ròng về 0 đến năm 2050. Còn tại COP 28, Việt Nam đã có kế hoạch quốc gia để huy động nguồn lực chuyển đổi theo thỏa thuận.

Trong thời gian vừa qua, PwC - một trong 4 công ty kiểm toán lớn - đã công bố báo cáo cho biết Việt Nam là một trong 5 nước châu Á hoàn thành cam kết đến năm 2030. Hiện, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 06 đã có nội dung cụ thể yêu cầu doanh nghiệp kiểm kê giảm phát thải trước năm 2025.

Ông Thọ nêu, bộ ban ngành, Chính phủ đã chỉ đạo để giảm phát thải trong những lĩnh vực theo cam kết đặc biệt là năng lượng, nông nghiệp, giao thông vận tải, rác thải. Đối với trọng tâm liên quan đến báo cáo phát triển bền vững đi sâu chi tiết hơn.

Có thể nói Việt Nam chúng ta là một trong những nước đi đầu tại Đông Nam Á về thể chế hóa kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Với yêu cầu của kinh tế tuần hoàn thì yêu cầu cả chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững, điều tra thăm dò, thiết kế, chế biến, phân phối, thu gom, vận chuyển, tái chế và tái sử dụng chất thải...

Mục tiêu của Việt Nam không chỉ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà còn hướng tới rác thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đi xuyên suốt trong Luật Bảo vệ môi trường quy định về phân loại rác thải tại nguồn, quy định thu phí rác thải với quy định người phát thải phải trả phí. Hiện Việt Nam đang triển khai từng bước.

"Cần sớm thay đổi trước khi bị loại khỏi cuộc chơi"

Theo ông Thọ, hiện nay, cuộc chơi của thế giới đã thay đổi theo hướng chuyển sang yêu cầu về giảm phát thải, yêu cầu về đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu gồm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động đến môi trường, hạn chế giảm tổn thất liên quan đến đa dạng sinh học.

Trong thời gian vừa qua, các nước phát triển đã dựng hàng loạt hàng rào kỹ thuật. Đầu tiên là chúng ta nhận thẻ vàng về xuất khẩu thủy hải sản. Sau đó các nước phát triển dựng các hàng rào về phát thải carbon có hiệu lực chính thức từ tháng 1/2026.

Từ ngày 1/1/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản thì phải chứng minh được hàng hóa đó không xuất phát từ phá rừng sau 31/12/2024. Ngoài ra, còn các vấn đề như xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa, ảnh hưởng doanh nghiệp sản xuất.

"Nếu doanh nghiệp không chuẩn bị thì bị loại khỏi cuộc chơi. Sự dũng cảm, mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt vào cuộc chơi toàn cầu là bắt buộc, nếu không thực hiện thì không nhận được đầu tư, tham gia vào thương mại toàn cầu", PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, nhấn mạnh.

Cuộc chơi giảm phát thải thay đổi, doanh nghiệp không chuẩn bị sẽ bị loại - 2

Tọa đàm "Net Zero - Cam kết và hành động vì tương lai bền vững" do Báo Dân trí tổ chức chiều 22/5, trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Việt Nam 2024 (Ảnh: BTC).

Do đó, cần khuyến khích doanh nghiệp báo cáo ESG để tăng uy tín. ESG là bài toán bắt buộc. Các quốc gia châu Âu đã yêu cầu các bên báo cáo phát triển bền vững, thời gian chúng ta không còn nhiều.

Một trong những thứ doanh nghiệp cần nắm bắt được cơ hội này đó là nguyên tắc của thế giới khi giảm phát thải, giảm rác thải và suy giảm đa dạng sinh học thì thế giới tập trung vào việc gia tăng không chỉ những gì chúng ta đang có.

Ví dụ 43% rừng thì không phải 43% rừng tạo ra tín chỉ carbon mà cải tạo hấp thụ carbon sẽ tạo ra tín chỉ carbon. Tương tự, trong lĩnh vực năng lượng, nếu giảm phát thải trong lĩnh vực này thì sẽ tạo ra tín chỉ carbon. Trong tài chính khí hậu, tài chính xanh thì giảm phát thải, giảm hiệu ứng thì sẽ nhận được hỗ trợ.

Chính vì vậy để được hỗ trợ thì các đơn vị phải làm từ tiền dự án cho đến khi triển khai, kết thúc dự án. Nếu cẩn thận kiểm kê thì Việt Nam có thể bán được tín chỉ carbon, từ đó cải thiện đời sống người lao động, dân cư.