Đại biểu Quốc hội lo "tiền đổ vào đất, buôn lậu tăng khi giá vàng neo cao"
(Dân trí) - "Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm tăng rất lớn. Đây là lý do khiến tình trạng buôn lậu vàng nhiều hơn, dòng tiền đổ vào vàng, vào đất", đại biểu Nguyễn Đại Thắng nói.
Sốt ruột khi giá vàng liên tục tăng cao là tâm trạng chung được nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, sáng 23/5.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng cũng cho rằng phải có giải pháp để giải quyết tận gốc tình trạng giá vàng nhảy múa, biến động, có giai đoạn tăng cao do với giá vàng thế giới.
"Dù có nguyên nhân khách quan nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có những thời điểm tăng rất lớn. Đây cũng là lý do khiến tình trạng buôn lậu vàng nhiều hơn, dòng tiền không vào sản xuất mà đổ vào vàng, vào đất", ông Thắng nói.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) lưu ý cần hết sức thận trọng trong quản lý vàng, bởi nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được và có thể quay lại tình trạng vàng hóa như trước đây.
"Việc Ngân hàng Nhà nước càng đấu thầu, giá vàng càng lên chỉ là hiện tượng trong giai đoạn đầu. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần hoàn thiện phương thức, chính sách quản lý phù hợp đối với thị trường vàng", ông Ấn nói.
Nói về sự "nhảy múa" của giá vàng, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhận định sự bất ổn gần đây của thị trường vàng này đã tác động tiêu cực và ngoài dự tính tới thị trường ngoại tệ, tỷ giá USD/VND.
Theo ông Đồng, từ khi Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời cho tới thời kỳ trước Covid-19, giá vàng trong nước gần như bám sát với giá vàng quốc tế. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, giá vàng trong nước luôn lớn hơn giá vàng quốc tế từ 15 đến 20 triệu VND/lượng.
"Điều này khiến thị trường vàng trong nước trở nên nhạy cảm hơn, kích thích hoạt động đầu cơ và nhập lậu, gây ảnh hưởng mạnh lên tỷ giá tự do và gián tiếp gây áp lực lên tỷ giá chính thức", đại biểu nhận định.
Điều mà nhiều người băn khoăn, theo ông Đồng, là vàng trong nước tăng đột biến đến từ ai và do đâu? Liệu có phải chủ yếu do một nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường?
"Theo dõi ở nhiều diễn đàn, tôi chưa tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi này", ông Đồng nói. Dù vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh phải có giải pháp căn cơ về thị trường vàng.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) dành nhiều thời gian nói về sự "nhảy múa" của giá vàng thời gian qua. Theo ông, bất hợp lý của thị trường vàng hiện nay là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với vàng thế giới dù đã có nhiều cách nhưng không thu hẹp được.
"Việc đấu giá lại càng hâm nóng thị trường vàng. Nguyên nhân có thể là do cách thức làm vừa rồi không rõ mục tiêu", theo ông Lâm.
Lo diễn biến thị trường vàng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tới đây, Ủy ban Kinh tế dự kiến tổ chức phiên giải trình liên quan đến quản lý thị trường vàng.