Người dân, báo chí phải được giám sát trạm thu phí BOT

(Dân trí) - "Việc kiểm kê xe phải được thực hiện định kỳ 3 tháng một lần, có báo cáo. Đặc biệt, quá trình này có sự tham gia chung của cơ quan nhà nước, đại diện doanh nghiệp vận tải, cơ quan thuế, báo chí, và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan..."

Đây là một trong nhiều ý kiến góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm chống việc thiếu minh bạch và gian lận tại các dự án BOT đường bộ tại Dự thảo Thông tư quy định về trạm thu phí sử dụng đường bộ thuộc dự án BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao) đang được Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành và các bên liên quan, trước khi thông qua.

Tại dự án đường BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội), liên danh nhà đầu tư dự án đã bất hòa về cách tính lưu lượng xe, khiến các bên phải vào cuộc kiểm tra. Kết quả, mỗi ngày chênh lệch hơn 600 triệu đồng.
Tại dự án đường BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội), liên danh nhà đầu tư dự án đã bất hòa về cách tính lưu lượng xe, khiến các bên phải vào cuộc kiểm tra. Kết quả, mỗi ngày chênh lệch hơn 600 triệu đồng.

Theo như đề xuất trên, VCCI khẳng định thời gian qua các dự án BOT để lại nhiều hệ lụy, gây nhiều bức xúc như việc khai khống vốn đầu tư, làm tăng thời gian thu phí, tăng phí đến việc đặt các trạm thu phí không đúng khoảng cách; cách đếm xe và lượt phương tiện không đúng, khiến thời gian hoàn vốn dài, đẩy thiệt hại cho người dân.

VCCI chỉ rõ: Những khiếm khuyết của các dự án BOT đường bộ hiện nay là việc lập dự án, ước đoán số thu, báo cáo và giám sát số thu thực tế hiện nay chỉ là việc nội bộ giữa cơ quan nhà nước và chủ dự án. Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp vận tải, dù là người phải trả tiền, nhưng lại không được nắm bắt thông tin cũng như giám sát thực tế.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI dẫn lời các chuyên gia: "Một phần nguyên nhân của hiện tượng trên có thể là do các báo cáo về lưu lượng phương tiện qua trạm trước khi phê duyệt và sau khi hoàn thành cùng số phí thu được chưa chính xác. Trong giai đoạn lập dự án, các số liệu này chỉ là ước đoán nên sai số có thể rất lớn. Đến khi đi vào vận hành thì việc báo cáo và giám sát hoạt động thu phí chưa thực sự minh bạch.

Theo ông Tuấn, để khắc phục tình trạng chủ BOT gian lận, khiến các dự án BOT mang tai tiếng trong thời gian qua, Bộ GTVT cần thay đổi cách thức quản lý: "Phương pháp tốt nhất để bảo đảm cân bằng lợi ích giữa chủ đầu tư, nhà nước và người dân là phải bảo đảm sự minh bạch các hoạt động của dự án, bảo đảm quyền được biết thông tin và tham gia giám sát của người dân vào các dự án này", ông Tuấn nêu.

"VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm các quy định về báo cáo và giám sát hoạt động thu phí, trong đó phải có bảng kê chi tiết đến từng ngày và số lượng từng loại phương tiện. Các thông tin này phải được công bố rộng rãi chứ không chỉ gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.. Đặc biệt, việc kiểm kê xe phải được thực hiện định kỳ 3 tháng một lần, có sự tham gia chung của cơ quan nhà nước, chủ đầu tư, đại diện doanh nghiệp kinh doanh vận tải đại diện cơ quan thuế, cơ quan báo chí, và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan...", văn bản của VCCI nói rõ.

Đặc biệt, do các dự án BOT dù là tài sản, vốn vay hình thành với tư cách pháp nhân của DN, nhưng vẫn là tài sản của Nhà nước, do đó khi mặt đường xuống cấp, chất lượng không đảm bảo lưu thông, các lái xe, đặc biệt là các hãng vận tải đều có quyền kiến nghị về việc yêu cầu dừng thu phí.

VCCI nêu rõ: Để quản lý chất lượng đầu tư đường BOT của các chủ đầu tư, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép người dân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp có vận tải có quyền phản ánh, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm dừng thu phí. Đi cùng với quyền đó là trách nhiệm kiểm tra thực tế, trả lời phản ánh kiến nghị của cơ quan nhà nước và công khai quá trình kiểm tra thực tế.

Nguyễn Tuyền