2 năm thí điểm mô hình Grab – Uber lượng xe đã tăng hơn 120 lần
(Dân trí) - Số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, sau 2 năm thí điểm ứng dụng gọi xe kiểu Grab – Uber, số đơn vị vận tải đã tăng gấp đôi, đầu xe cũng tăng với số con số khủng khiếp, khoảng 127 lần.
Số đầu xe Grab tăng chóng mặt
Cụ thể, năm 2016, các đơn vị tham gia dịch vụ vận tải vào khoảng 233. Trong đó, riêng Công ty TNHH Grab Taxi kết nối với 230 đơn vị. Năm 2017, con số này tăng lên mức 491 đơn vị. Lúc này, số đơn vị tham gia ứng dụng của Grab dù vẫn tăng song bắt đầu bị chia sẻ khi có sự hiện diện của hãng Uber. Cụ thể, năm 2017, Grab có 296 đơn vị vận tải tham gia ứng dụng. Con số này của Uber là 186 đơn vị.
Số lượng đầu xe được ghi nhận là tăng với con số khủng khiếp trong 2 năm thí điểm. Nếu như, năm 2016, cả thị trường chỉ có 330 xe thì đến năm 2017, con số này tăng lên mức chóng mặt với 42.100 xe. Trong số này, Grab có hơn 34.700 xe; Uber 6.535 xe, còn lại là của một số đơn vị khác.
Trong 2 năm thí điểm, Việt Nam có khoảng 10 công ty cung ứng phần mềm, gồm Uber, Grab, Mai Linh, Home Car, Vcar, Thành Công Car, và một số đơn vị khác nữa…
Cũng theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, TP HCM và Hà Nội là hai thành phố tập trung số lượng đơn vị vận tải và đầu xe ứng dụng phần mềm gọi xe lớn nhất cả nước.
Cụ thể, tại Hà Nội, năm 2016, Grab là đơn vị duy nhất hoạt động mô hình vận tải này trên địa bàn. Đầu năm 2017, con số này tăng lên thành 7 đơn vị. Đến cuối năm 2017, con số này đã được rút xuống còn 5 do hai đơn vị đã bỏ cuộc chơi vì kinh doanh không hiệu quả.
Trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận lượng xe tăng lên chóng mặt khi có tới 16.308 xe của 190 đơn vị tham gia thí điểm mô hình vận tải này. Tuy vậy, Grab vẫn chiếm thị phần khống chế với 83,93% số lượng xe tham gia thí điểm, tương ứng với 13.687 xe. Công ty Uber đứng vị trí thứ 2 với hơn 2.390 xe, chiếm khoảng 14,67% thị phần. Trong số 16.308 xe tham gia thí điểm thì có 1.68 xe hoạt động trên địa bàn Hà Nội sử dụng cùng lúc 2 phần mềm ứng dụng là Grab và Uber.
Tại TP.HCM, Grab cũng chiếm thị phần khống chế với số đơn vị vận tải tham gia ứng dụng là 91 đơn vị năm 2016 và tăng lên 117 đơn vị vào năm 2017. Số lượng xe của Grab cũng được ghi nhận là tăng chóng mặt trong 2 năm thí điểm. Cụ thể, năm 2016 hãng này có 8.417 đầu xe thì đến hết năm 2017, số lượng đã lên tới con số 21.005 xe. Uber kiên trì bám trụ vị trí thứ 2 với con số 4.143 xe.
Khó coi nếu tiếp tục kéo dài "thí điểm"
Sự gia tăng chóng mặt từ các phương tiện ứng dụng công nghệ Grab – Uber thời gian qua đã giúp người tiêu dùng Việt có thêm sự lựa chọn dịch vụ vận tải với giá cạnh tranh so với taxi truyền thống. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng cao cũng kéo theo không ít hệ luỵ, đặt ra câu hỏi về vai trò quản lý đối với loại hình dịch vụ này trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thay thế Nghị định số 86 của Chính phủ.
Hiện, dự thảo đã qua bước thẩm định của Bộ Tư pháp và đang được Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu, giải trình và lấy ý kiến các bộ ngành liên quan.
Góp ý cho dự thảo này, Bộ Công An cho rằng, dự thảo cần tính đến các yếu tố như kiểm soát số lượng, chất lượng xe và cả lái xe tham gia thí điểm loại hình vận tải này. Bởi các quy định về điều kiện kinh doanh với loại hình vận tải kiểu Grab – Uber này hiện vẫn còn rất sơ khai, đơn giản, chưa đầy đủ, dẫn đến việc khó kiểm soát. Đây chính là nguyên nhân gây ra một số vụ việc phức tạp về trật tự xã hội, liên quan đến lái xe và doanh nghiệp tham gia thí điểm.
Theo Bộ Công An, hiện nay, việc cung cấp dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình cho cơ quan chức năng phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm với loại hình kinh doanh kể trên vẫn còn rất hạn chế.
Do đó, Bộ Công an cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải cũng cần phối hợp một cách chủ động trong công tác xử lý vi phạm, trao đổi thông tin, dữ liệu liên quan đến số lượng đơn vị vận tải tham gia thí điểm, mẫu phù hiệu. Bởi, với số lượng xe nhiều, doanh nghiệp tham gia đông, lực lượng công an khó phân biệt các hãng khi phát hiện vi phạm và xử phạt liên quan đến vận tải đường bộ.
Đồng ý với một số điểm tại báo cáo mới đây của Bộ Giao thông Vận tải về đánh giá toàn bộ hiện trạng của lĩnh vực kinh doanh này sau 2 năm thí điểm, song, theo Bộ Công an cần ấn định lộ trình thực hiện cụ thể đối với từng đề nghị, không để kéo dài thời gian thí điểm mà những bất cập thời gian qua vẫn chưa được giải quyết.
Ở khía cạnh khác, Bộ Tư Pháp góp ý rằng, việc quản lý đối với mô hình vận tải này cần phải trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo công bằng, minh bạch và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải. Đối với các địa phương đã thí điểm khi lượng xe tăng cao, Bộ Tư pháp đề nghị cần tính đến việc tạm thời không cấp mới phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi cho đến khi thực hiện quy hoạch về phương tiện và vận tải trên địa phương mình phù hợp với thực tiễn cũng như các quy định của pháp luật hiện hành.
Một số bộ ngành, địa phương thì cho rằng doanh nghiệp khi sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động để kinh doanh vận tải, bên cạnh việc phải tuân thủ quy định về thương mại điện tử còn phải tuân thủ quy định khác của ngành vận tải.
Bên cạnh đó trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Giao thông Vận tải cũng cần xem xét lại khái niệm cũng như cách phân loại “kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi”, “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” và “kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô” vì hiện nay ranh giới giữa các loại hình này không rõ ràng. Đồng thời, rà soát, đánh giá, loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn…
H.Anh