2 kịch bản vỡ nợ của Mỹ

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Nếu không đạt được thỏa thuận tăng trần nợ công, Chính phủ Mỹ sẽ vỡ nợ và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng hơn với 2 kịch bản được đưa ra.

Mỹ là thị trường nợ công lớn nhất thế giới, với 25.000 tỷ USD trái phiếu, chiếm khoảng một phần ba tổng số trái phiếu toàn cầu. Trái phiếu kho bạc Mỹ được coi là tài sản phi rủi ro, mang lại lợi nhuận đảm bảo cho Chính phủ nhiều nước, và cũng là cơ sở để định giá các công cụ tài chính khác.

Chính vì vậy, nếu vỡ nợ Mỹ có thể rơi vào một trong hai kịch bản: khủng hoảng trong ngắn hạn hoặc khủng hoảng trong dài hạn.

Ở kịch bản thứ nhất, vỡ nợ sẽ làm thanh khoản thị trường bị đứt gãy trong thời gian ngắn và gây ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản. Khi ấy, Chính phủ Mỹ sẽ không thể thanh toán các hóa đơn và trả lãi trái phiếu đến hạn. Nhưng nếu Quốc hội có hành động nâng trần nợ công ngay sau đó thì tình hình vẫn sẽ ổn định đối với các khoản nợ đáo hạn muộn hơn.

Trong kịch bản này, Fed có thể sẽ xử lý các chứng khoán vỡ nợ như chứng khoán thông thường và chấp nhận chúng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của ngân hàng trung ương.

Mặc dù, trong ngắn hạn vụ vỡ nợ có thể sẽ chỉ kéo dài vài ngày nhưng nó sẽ gây ảnh hưởng lớn tới danh tiếng của nước Mỹ và gây ra suy thoái. Công ty phân tích Moody's Analytics ước tính ngay sau khi vỡ nợ, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 3,4% lên 5%, khiến 1,5 triệu người mất việc làm.

2 kịch bản vỡ nợ của Mỹ - 1

Mỹ vẫn bế tắc về thỏa thuận trần nợ công (Ảnh: WP).

Tại kịch bản thứ hai, vỡ nợ kéo dài do Quốc hội chậm hoặc không thông qua mức trần nợ công mới, sẽ gây ra những tình trạng nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia đánh giá tình hình có thể tệ như năm 2008 khi Quốc hội Mỹ ban đầu không thông qua chương trình cứu trợ để giải cứu các ngân hàng, khiến thị trường toàn cầu sụp đổ.

Các chuyên gia kinh tế của Hội đồng Cố vấn Nhà Trắng ước tính trong vài tháng đầu vỡ nợ sẽ có khoảng 8,3 triệu người Mỹ mất việc, GDP giảm 6,1 điểm % và thị trường chứng khoán có thể "bốc hơi" gần một nửa giá trị. Chính phủ khi ấy sẽ bị hạn chế bởi trần nợ và không thể đối phó với suy thoái bằng cách sử dụng các công cụ tài chính, khiến suy thoái trở nên trầm trọng hơn.

Tiếp đó sẽ là một loạt quyết định hạ cấp tín nhiệm của các tổ chức. Trong lần bế tắc về trần nợ công năm 2011, S&P đã hạ tín nhiệm của Mỹ từ mức AAA xuống AA+.

Điều này sẽ làm giá trị của đồng USD suy giảm đột ngột và khiến nền kinh tế của các nước đang phát triển có mức nợ công cao phải trả nợ nhiều hơn và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Mỹ đã chạm ngưỡng giới hạn vay nợ 31.400 tỷ USD từ tháng 1 năm nay khiến Bộ Tài chính nước này phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để tiếp tục trang trải cho các hoạt động của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu mức trần nợ không được nâng lên, Chính phủ Mỹ có nguy cơ không thực hiện được các khoản thanh toán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu.

 
Theo The Economist