18 năm ở Việt Nam, Nestlé lỗ 30,8 triệu USD

Có thị phần lớn tại Việt Nam, cũng mới khánh thành thêm một nhà máy ở Đồng Nai, song sau gần 20 năm hoạt động ở Việt Nam, Nestlé Việt Nam vẫn đang kinh doanh thua lỗ và chỉ có lãi trong 4 năm.

Con số được đưa ra trong một báo cáo của Ban quản lý KCN tỉnh Đồng Nai gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đăng ký trên 100 triệu USD.

 

Đó là lũy kế từ khi thành lập (năm 1995) đến nay, Nestlé Việt Nam đang thua lỗ hơn 30,8 triệu USD, chiếm 20% vốn góp chủ sở hữu, mặc dù trong hai năm 2011 - 2012, đã kinh doanh có lãi.
 
18 năm ở Việt Nam, Nestlé lỗ 30,8 triệu USD

 

Thừa nhận mức lỗ này, song trao đổi với Báo Đầu tư, ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Truyền thông - Đối ngoại Nestlé Việt Nam cho biết, con số trên chỉ là tính lũy kế đến hết năm 2012, chứ không phải là “cho đến nay”.

 

Cũng dễ hiểu, bởi trong dữ liệu tổng hợp của Ban quản lý KCN tỉnh Đồng Nai, Nestlé Việt Nam là một trong số những công ty không gửi báo cáo theo đề nghị của Ban. Đề nghị này được đưa ra sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 18/6/2013, đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện các dự án FDI có vốn đầu tư trên 100 triệu USD hoặc sử dụng từ 50 ha đất trở lên.

 

“Chúng tôi đã có lãi trong các năm 2007, 2008, 2011 và 2012, chưa tính năm 2013. Trung bình những năm có lãi, chúng tôi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm”, ông Tuấn nói và cho biết, vài ba năm gần đây, Nestlé đã nhận được bằng khen của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai vì đã “chấp hành tốt các chính sách thuế”.

 

Ông Tuấn cũng đã cho phóng viên Báo Đầu tư xem hai bằng khen mà công ty này được nhận vào năm 2009 và năm 2012. Nhưng năm 2009, theo như ông Tuấn, thì lại không trùng thời điểm Công ty có lãi.

 

Như vậy, trong một chặng đường kinh doanh khá dài - 18 năm, Nestlé chỉ có lãi trong 4 năm, dù theo khẳng định của ông Tuấn, dựa trên kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, Công ty đang dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam. Thậm chí, theo đánh giá của người tiêu dùng Việt Nam, thì ngôi vị của Nescafé trên thị trường cà phê hòa tan là “bất khả chiến bại”.

 

“Nhưng thị phần và lãi là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Thị phần lớn vẫn có thể lỗ và ngược lại”, ông Tuấn nói.

 

Nestlé, vào năm 1995 đã chính thức xây dựng nhà máy ở tỉnh Đồng Nai. Công ty này trước đó, vào năm 1992, đã liên doanh với một công ty thương mại ở Long An để xây dựng Công ty La Vie, chuyên sản xuất nước uống tinh khiết. Các nhãn hàng mà Nestlé đang sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam bao gồm Nescafé, sữa Nestlé, Milo, Nestea… Các nhãn hàng này rất được người Việt Nam ưa chuộng.

 

Câu hỏi đặt ra là, vì sao mười mấy năm qua, nắm thị phần tốt như vậy, Nestlé vẫn kinh doanh thua lỗ và vì sao đang lỗ lũy kế hơn 30 triệu USD vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam? Và vì sao sau hai năm 2007, 2008 có lãi, Nestlé lại tiếp tục lỗ trong hai năm 2009 - 2010?

 

Tuy nhiên, ông Tuấn không đưa ra lý do vì sao Nestlé kinh doanh thua lỗ, mà chỉ cho rằng “lỗ là chuyện bình thường”. Giải thích nguyên nhân vì sao, vẫn đang kinh doanh thua lỗ mà lại tiếp tục mở rộng đầu tư, ông Tuấn cho biết, là vì khi đó, Công ty đã làm ăn có lãi và việc đầu tư xây dựng nhà máy mới cũng là “hoàn toàn bình thường”.

 

“Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng phát triển dài hạn của thị trường cà phê Việt Nam”, ông Tuấn nói và cho biết, việc nhà máy sản xuất Nescafé mới khánh thành phản ánh chiến lược dài hạn của Nestlé đối với Việt Nam.

 

Cũng cần phải nhắc lại rằng, tháng 9 năm ngoái, Nestlé đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 230 triệu Franc Thụy Sỹ cho một nhà máy mới ở Đồng Nai. Và kế hoạch này đã trở thành hiện thực, khi ngày 9/7 vừa qua, nhà máy Nescafé mới đặt tại KCN Amata (Đồng Nai) của Nestlé khánh thành, nâng tổng vốn đầu tư tập đoàn này tại Việt Nam lên trên 466 triệu USD.

 

“Việc đưa vào hoạt động nhà máy cà phê mới sẽ giúp chúng tôi tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trong khu vực và sản xuất các sản phẩm Nescafé theo nhu cầu và khẩu vị của người tiêu dùng. Việt Nam là một phần rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Nestlé tại khu vực Đông Dương. Cam kết tiếp tục đầu tư thể hiện niềm tin tưởng vững chắc của chúng tôi với Việt Nam”, ông Wayne England, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nestlé khu vực Đông Dương khẳng định tại lễ khánh thành nhà máy mới.

 

Ước tính, nhà máy mới này hàng năm sẽ tiêu thụ khoảng 46.000 tấn cà phê hạt của Việt Nam để chế biến sản phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

 

Nestlé đã cam kết hiện diện lâu dài ở Việt Nam, sau kế hoạch đầu tư mới. Công ty này thời gian qua cũng đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển ngành cà phê Việt Nam. Nhưng sẽ là tốt hơn, nếu Nestlé… không lỗ.

 

Theo Nguyên Đức

Đầu tư