50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ

(Dân trí) - Theo tổng kết của Bộ Tài chính, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong 3 năm.

50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ
 
Theo báo cáo về chính sách thuế và ưu đãi đầu tư trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam của Bộ Tài chính, việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn chưa tương xứng với kỳ vọng của nhà nước đối với khối doanh nghiệp này. Qua thời gian thực hiện cho thấy, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong 3 năm.
 
Điển hình tại một số địa phương như Bình Dương, số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ năm 2010 là 754/1.490 doanh nghiệp (chiếm tỷ trọng 50,6%, trong đó có tới 200 doanh nghiệp lỗ quá vốn chủ sở hữu).

 

Cũng theo tổng kết của Bộ Tài chính, trong khoảng 5 năm trở lại đây, các hành vi chuyển giá điển hình đã và đang diễn ra tại Việt Nam thường dưới các hình thức: chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh giữa các bên liên kết.

 

“Các hành vi chuyển giá của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là điều chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn để tránh thuế mà nó còn bao gồm cả chiều ngược lại”, thông tin từ Bộ Tài chính nhấn mạnh.

 

Cơ quan này còn phát hiện các hình thức chuyển giá thông qua hoạt động giao dịch liên kết điển hình như: nâng vốn góp bằng việc nâng giá trị máy móc, thiết bị và công nghệ; bán hàng hoá, nguyên vật liệu thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết; chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp liên kết tại Việt Nam; định giá tiền bản quyền thương hiệu rất cao so với giá trị thực; các tập đoàn, công ty mẹ tại nước ngoài ký hợp đồng sản xuất kinh doanh và dịch vụ với các công ty của các nước với đơn giá cao, sau đó giao lại cho công ty con tại Việt Nam theo giá do công ty mẹ quy định rất thấp; hoặc công ty mẹ thực hiện hỗ trợ vốn hoặc cho công ty con tại Việt Nam vay vốn không tính lãi…

 

Để đảm bảo công tác quản lý về thuế, khắc phục tình trạng chuyển giá, Bộ đã nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý về thuế trong trường hợp này. Đồng thời, triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát ngăn chặn các hành vi chuyển giá.

 

Kết quả là trong giai đoạn từ 2009 - 2011, hiện tượng chuyển giá đã được khắc phục đáng kể. Cụ thể, qua thanh tra tại 921 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá năm 2011, Bộ Tài chính đã xử lý giảm lỗ hơn 6.600 tỷ đồng, truy thu thuế và phạt gần 1.700 tỷ đồng.

 

Nguyễn Hiền