1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

14 tấn vàng phi SJC chưa cần đổi gấp

(Dân trí) - Lãnh đạo NHNN cho biết, do tâm lý muốn chuyển đổi nhanh vàng phi SJC sang SJC nên người dân đang bị ép giá. Cơ quan này khuyến cáo, người giữ vàng không nên nôn nóng. Hiện tại, tổng khối lượng đăng ký chuyển đổi ở mức khoảng 14 tấn vàng.

Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 chiều nay kéo dài hơn so với thường lệ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dành một thời lượng lớn thời gian để nói về vấn đề vàng cũng như đề nghị Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối Nguyễn Quang Huy thông tin chi tiết hơn về tình hình thị trường, chính sách quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, theo Nghị định 24 do Chính phủ ban hành ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Thông tư 12 ngày 24/4/2012 của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng phải dừng huy động, cho vay vàng kể từ ngày 24/11/2012. Thay vào đó, NHNN sẽ đứng ra mua vàng nếu người dân muốn bán để chuyển đổi sang tiền đồng, với mục đích chống "vàng hóa" nền kinh tế và huy động nguồn lực cho phát triển.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối - NHNN (Ảnh: B.D).

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối - NHNN (Ảnh: B.D).

Vay vàng đầu tư bất động sản - rủi ro lớn cho ngân hàng

Ông Huy cho biết, bắt đầu từ năm 2000, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Nghị định 432 cho phép tổ chức tín dụng được huy động vốn và cho vay vàng, đồng thời được chuyển đổi 30% vàng huy động thành tiền đồng để thực hiện kinh doanh.

Trong những năm trước đây, hình thức này về cơ bản diễn biến không có đột biến. Một phần vốn từ vàng đã được chuyển hóa thành vốn phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, diễn biến giá vàng thế giới rất phức tạp, tăng gần 300%. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy tổ chức tín dụng đứng trước rủi ro lớn.

Thứ nhất nhất là rủi ro tăng giá vàng, với phần chuyển đổi, khi giá vàng tăng, các TCTD sẽ đối mặt nguy cơ lỗ rất lớn. Đồng thời, phần dư nợ cho vay bằng vàng chủ yếu để mua nhà và đầu tư bất động sản. Do vậy, vấn đề chất lượng tín dụng rất có vấn đề. Trong khi giá vàng tăng thì thời gian vừa qua, thị trường bất động sản lại không được "hồng hào" khiến TCTD chịu rủi ro khi thu hồi nợ với các khoản cho vay bằng vàng, còn người vay vàng cũng có rủi ro khi giá tăng, khả năng trả nợ không đảm bảo.

NHNN đã có các quyết định nhằm chấm dứt việc huy động và cho vay vàng của các TCTD. Và như vậy đồng nghĩa với việc các TCTD không có khả năng chuyển hóa nguồn vốn bằng vàng thành nguồn vốn để phát triển kinh tế. Việc quyết định chuyển đổi dần từ quan hệ huy động và cho vay sang quan hệ mua bán nhằm mục đích, NHNN với tư cách là người huy động cuối cùng trên thị trường sẽ mua vàng từ người dân nếu người dân có nhu cầu để chuyển đổi thành ngoại tệ hoặc cung ứng vốn đó ra để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ông Huy cũng lưu ý rằng, đây là một quá trình không thể thực hiện trong ngày một ngày hai mà phải khi người nắm giữ vàng bán lại cho nhà nước, tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Hiện NHNN đã tổ chức một mạng lưới mua bán vàng thông qua cấp phép cho một số TCTD cũng như doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện theo Nghị định 24. Đồng thời, tiếp tục củng cố giá trị VND, tăng niềm tin vào nội tệ của người dân, để từ đó khuyến khích họ chuyển từ nắm giữ vàng sang VND và bán vàng cho NHNN.

Nế việc chuyển đổi này thực hiện thành công góp phần thực hiện 2 mục tiêu: chống vàng hóa nền kinh tế, ổn định tỉ giá và huy động được nguồn vốn vàng vào phát triển kinh tế.

Người dân bị ép giá vàng phi SJC vì tâm lí nóng vội

Liên quan đến độc quyền của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), ông Huy cho biết, SJC là doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn ở trên thị trường. Công ty này có 3 hoạt động là sản xuất vàng miếng, sản xuất vàng trang sức và kinh doanh vàng trang sức mĩ nghệ và vàng miếng.

Qua đánh giá tình hình thị trường, NHNN nhận thấy bản thân vàng miếng SJC đã chiếm 90% thị phần nên khi triển khai Nghị định 24, cơ quan điều hành đã quyết định chọn thương hiệu này để sản xuất gia công.

Trong khi đó, SJC tiếp tục được hoạt động bình thường với hoạt động mua bán vàng miếng và hoạt động sản xuất và mua bán vàng trang sức. Tuy nhiên, SJC không tiếp tục được sản xuất vàng miếng SJC mà chỉ được phép gia công theo đơn hàng của NHNN từ ngày 25/5. Việc gia công thực hiện trên cơ sở số lượng, chủng loại, đầu vào và NHNN cũng tiến hành giám sát trực tiếp, niêm phong các khuôn sản xuất vàng miếng khi không sản xuất. Trong quá trình sản xuất, khi lắp đặt vào các máy dập, trong thời gian nghỉ giữa ca, máy dập cũng bị niêm phong. Phí gia công của SJC là 5.000 đồng.

Về chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng SJC, ông Huy cho biết, theo Nghị định 24, tất cả các loại vàng miếng khác đã được cấp phép sản xuất thì đều được phép lưu thông bình thường. Tuy nhiên, ông Huy cũng thừa nhận, do tâm lý người dân gần đây nôn nóng muốn chuyển từ vàng phi SJC sang SJC càng sớm càng tốt.

Pháp luật cho phép người dân được nắm giữ những loại vàng không phải SJC tuy nhiên, do tâm lý này nên người dân đã ồ ạt đi chuyển đổi, khiến giá vàng phi SJC bị ép giá, thấp hơn vàng miếng SJC.

NHNN vẫn giữ khuyến cáo với người dân, không vội chuyển đổi mà đợi một thời gian khi NHNN tổ chức mạng lưới chuyển đổi cho người dân khi có nhu cầu. Còn trong hiện tại, người dân cần bình tĩnh.

Hiện nay, ông Huy cho biết, theo thống kê từ các công ty, tổng lượng đề nghị chuyển đổi khoảng 14 tấn.

Về vấn đề vàng giả, NHNN khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật, SJC và NHNN đã đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện phối hợp tiến hành điều tra để xử lý việc làm giả vàng SJC. Hiện tại đang trong quá trình điều tra, khi có kết quả, NHNN và cơ quan chức năng sẽ có thông tin đến người dân và dư luận.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm