1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

14 hiệp hội kiến nghị loạt biện pháp để "sống chung với Covid-19"

Việt Đức

(Dân trí) - Nhiều hiệp hội doanh nghiệp khẳng định việc triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất kinh doanh rất cấp bách để đảm bảo cả 3 trụ cột y tế, kinh tế, xã hội.

Lãnh đạo 14 hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cho nhiều ngành nghề chủ lực của Việt Nam vừa đồng ký tên vào văn bản gửi Thủ tướng nêu nhiều kiến nghị với Chính phủ về việc phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới theo quan điểm "sống chung với Covid-19".

Các hiệp hội kiến nghị điểm sản xuất (hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp dịch vụ, nhà máy, công trình, bến cảng) tự chủ lập phương án phòng chống dịch, thực hiện biện pháp 5K. 

14 hiệp hội cũng kiến nghị chỉ xét nghiệm theo xác suất 10% lao động với tần xuất 7 ngày/lần. Bộ Y tế cần ban hành công điện hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp toàn quốc về quy tắc xét nghiệm Covid-19 trong nhà máy, doanh nghiệp như tỷ lệ số công nhân phải xét nghiệm, thời gian xét nghiệm cho các trường hợp chưa tiêm vắc xin, đã tiêm một mũi và hai mũi. 

Các điểm sản xuất sẽ chủ động tổ chức hoạt động theo khu vực, giờ ăn linh hoạt, hạn chế tiếp xúc, đồng thời phun khử khuẩn hàng ngày, vệ sinh mũi, họng bằng nước muối, xông tinh dầu. 

Khi có F0, doanh nghiệp khoanh vùng, tách F0, F1, chủ động phương án cách ly, điều trị, khôi phục sản xuất trong ngày đồng thời thông báo y tế địa phương. 

14 hiệp hội kiến nghị loạt biện pháp để sống chung với Covid-19 - 1

Các hiệp hội mong muốn doanh nghiệp được tự chủ lập phương án phòng chống dịch, thực hiện đúng 5K (Ảnh: TCM).

Với hoạt động giao thông vận tải, 14 hiệp hội mong muốn Chính phủ chỉ đạo các địa phương bãi bỏ các hạn chế về vận tải hàng hóa giữa các vùng, chỉ kiểm tra tại điểm đầu và điểm đến. Nếu đến từ các vùng có dịch, tài xế tuân thủ 5K và cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, thực hiện nguyên tắc "bong bóng" (không tiếp xúc). Tài xế đến từ các vùng còn lại chỉ cần thực hiện 5K.

Về vấn đề xét nghiệm, các hiệp hội mong muốn các tổ chức y tế được phép bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh. Chính phủ sẽ kiểm soát giá kít xét nghiệm như mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật Giá. Tổ chức Y tế, bệnh viện, y tế lưu động của địa phương hoặc của doanh nghiệp sẽ xét nghiệm đối với điểm sản xuất.

Bản kiến nghị còn đề xuất ngân sách Nhà nước chi trả các chi phí xét nghiệm, điều trị cho các cá nhân chưa có bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế sẽ chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm. Các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị. Còn chi phí xét nghiệm, phòng chống dịch của các tổ chức, doanh nghiệp được khấu trừ vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí Công đoàn, phí bảo hiểm xã hội. 

14 hiệp hội kiến nghị loạt biện pháp để sống chung với Covid-19 - 2

Nhiều doanh nghiệp đang đối diện bài toán thiếu hụt lao động trong giai đoạn giãn cách xã hội (Ảnh: Nguyệt Nhi).

Để thực hiện quá trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, các hiệp hội mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP, kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện chính sách.

Với các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, 14 hiệp hội kiến nghị cho phép cộng lãi suất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng, đồng thời gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn sự hỗ trợ để lập các cơ sở lưu trú, lập các trạm y tế tại chỗ hoặc lưu động để triển khai phòng chống dịch tại các nhà máy, cụm nhà máy, khu công nghiệp.

Các hiệp hội khẳng định cộng đồng doanh nghiệp luôn chung tay với Chính phủ. Cùng với cách tiếp cận chống dịch linh hoạt, yêu cầu khởi động lại nền kinh tế đã rất cấp bách để đảm bảo cả 3 trụ cột y tế, kinh tế, xã hội như "kiềng 3 chân".