1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Vấn đề kinh tế trong tuần:

13-14 “sân sau”, đừng tưởng Thủ tướng không biết; quan chức vướng bê bối “đất vàng”

(Dân trí) - “Có ông không chỉ một sân sau mà còn hai, ba thậm chí là 13-14 sân sau. Có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau buôn bán nguyên vật liệu. Đừng nói Thủ tướng không biết vấn đề này” – phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước các lãnh đạo DNNN trong một sự kiện tuần qua.

Ngoài ra, những thông tin về việc khởi tố, bắt tạm giam cựu Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín; chuyên gia bình luận về vấn đề sử dụng vốn vay Trung Quốc không hiệu quả; cựu Thứ trưởng Thoa thu về hơn 38 tỷ đồng từ bán cổ phần Điện Quang; giá xăng dầu giảm mạnh… cũng gây chú ý.

Thủ tướng làm việc tại hội nghị về đổi mới doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng làm việc tại hội nghị về đổi mới doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp có...13-14 "sân sau": "Đừng tưởng Thủ tướng không biết vấn đề này"

Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sáng 21/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Có ông không chỉ một sân sau mà còn hai, ba thậm chí là 13-14 sân sau. Có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau buôn bán nguyên vật liệu. Đừng nói Thủ tướng không biết vấn đề này”.

Thủ tướng cũng cho rằng, đối với doanh nghiệp Nhà nước, người điều hành phải quyết tâm, có quan điểm rõ ràng, giữ nguyên đường lối thể chế.

"Ví dụ như Xưởng phim, Cảng Quy nhơn có nhiều vấn đề khi cổ phần hóa. Bán cảng lớn như Cảng Quy Nhơn không bằng cho không. Phải xứ lý người vi phạm, tại sao không xử lý. Phải xử để lập lại kỷ cương nhà nước", ông nhấn mạnh.

Đất vàng "dậy sóng": Loạt quan chức nhúng chàm, vào vòng lao lý

Nhiều quan chức, cựu quan chức ở loạt tỉnh thành đã phải đối diện với pháp luật khi các sai phạm liên quan đến đất đai bị "sờ gáy". Nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước có đất vàng khi hợp tác liên doanh với tư nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, để chủ đầu tư hưởng lợi khủng trong khi ngân sách thất thu vài ngàn tỷ.

Ngày 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam cựu Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM), Trương Văn Út (Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT).

Trước đó, ngày 10/11, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 5 người nguyên là cán bộ tại TPHCM trong vụ án liên quan khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TPHCM của Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Tại Đà Nẵng, từ tháng 4/2018 đến nay, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hơn 10 bị can nguyên là lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng và Bộ Công an. Trong đó có ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (giai đoạn 2006 - 2011), ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP. Đà Nẵng; ông Trần Văn Toán, nguyên Phó giám đốc Sở TN-MT TP. Đà Nẵng; Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng...

Người thì bị khởi tố vì các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; người thì bị khởi tố vì vi phạm quy định về quản lý đất đai...

Hệ quả vốn vay Trung Quốc gây bức xúc vì chưa có quan chức nào làm sai bị xử lý

"Vấn đề nằm ở phía chúng ta sử dụng vốn vay làm sao hiệu quả nhất! Khi ta để xảy ra tình trạng yếu kém, tham nhũng và lợi ích nhóm thì dường như Trung Quốc lại là cái cớ để chúng ta đổ vạ", chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận xét.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc

Đây là khẳng định của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh với Dân Trí xung quanh cuộc trao đổi về vấn đề được dư luận, cử tri quan tâm: Vay vốn Trung Quốc buộc phải phụ thuộc và sử dụng nhà thầu Trung Quốc dù năng lực yếu kém.

Ông Bùi Trinh nói: Vay nợ về nguyên tắc là người dân Việt Nam sẽ phải trả thông qua thuế trong tương lai, nhưng quyết định lại là người “có thẩm quyền”. Đi vay để người khác phải trả, để lại gánh nặng một cách khó hiểu, không kiểm soát được là một điều phi lý!

Theo cách lý giải của Bộ KH&ĐT đến cử tri: Họ yêu cầu các chủ đầu tư phải nâng cao năng lực, đạo đức và trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ để bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu nghe giống một câu khẩu hiệu suông.

Cựu Thứ trưởng Kim Thoa thu 38 tỷ đồng từ bán cổ phiếu Điện Quang

Điện Quang đã có báo cáo về giao dịch của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn. Cụ thể, bà Hồ Thị Kim Thoa đã bán 1,4 triệu cổ phiếu DQC trong tổng số 1,68 triệu cổ phiếu mà bà Thoa đăng ký trước đó. Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu là 20/11. Sau giao dịch, bà Thoa còn sở hữu 286.415 cổ phiếu, chiếm 0,92% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của DQC.

Theo ghi nhận của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX), tại phiên 20/11 đã có 2 giao dịch thỏa thuận tại cổ phiếu DQC với khối lượng đúng bằng 1,4 triệu cổ phiếu, trị giá 38,08 tỷ đồng trong khi khối lượng khớp lệnh chỉ là 2.470 cổ phiếu.

Như vậy, có thể kết luận bà Thoa đã thu được 38 tỷ đồng sau khi giao dịch thoái vốn nói trên. Điều này cũng trùng với giả thiết mà PV Dân Trí đã đưa ra gần đây.

Mặc dù bà Hồ Thị Kim Thoa đã gần hết số cổ phần nắm giữ tại Điện Quang song người thân trong gia đình bà vẫn còn sở hữu tổng cộng tới 9,1 triệu cổ phiếu DQC, chiếm 29,3% vốn điều lệ công ty này.

Bạo chi trên 7.300 tỷ đồng thâu tóm Vinaconex, “đại gia ngầm” lộ diện

Ngày 22/11, SCIC đấu giá 255 triệu cổ phiếu VCG tương đương 57,71% vốn điều lệ Vinaconex với giá khởi điểm trọn lô là 5.431 tỷ đồng. Vượt qua 2 nhà đầu tư khác (1 nhà đầu tư tổ chức đã rút lui), tổ chức trúng đấu giá là Công ty TNHH An Quý Hưng với mức giá bỏ ra là 28.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 35,6% so với mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra.

Ông chủ An Quý Hưng - đơn vị thắng trong vụ đấu giá cổ phần VCG của SCIC
Ông chủ An Quý Hưng - đơn vị thắng trong vụ đấu giá cổ phần VCG của SCIC

Theo đó, công ty này sẽ chi trả tổng cộng 7.366,6 tỷ đồng cho lô cổ phiếu nói trên. An Quý Hưng sẽ phải thu xếp để trả số tiền này cho SCIC trước ngày 4/12 tới đây.

An Quý Hưng vừa tăng vốn điều lệ lên mức 360 tỷ đồng hồi tháng 4/2017, với hai cá nhân góp vốn là ông Nguyễn Xuân Đông và bà Đỗ Thị Thanh. Trong đó, phần vốn góp của ông Đông là 252 tỷ đồng (chiếm 70%), còn bà Thanh là 108 tỷ đồng (chiếm 30%).

Giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh

Tại kỳ điều hành chiều 21/11, giá xăng lại tiếp tục được điều chỉnh giảm khá mạnh sau 2 đợt liên tiếp giảm giá. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 973 đồng/lít; xăng RON95 giảm 1.093 đồng/lít; dầu diesel giảm 907 đồng/lít...

Tại kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập như hiện hành đối với xăng E5 RON92, dầu hỏa, dầu mazut. Riêng đối với xăng RON95 l 950 đồng/lít; dầu diesel: 500 đồng/lít

Đồng thời liên bộ quyết định ngừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với E5RON92, dầu hỏa và dầu mazut.

Sau điều chỉnh, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 18.627 đồng/lít; xăng RON95 không cao hơn 19.972 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 17.637 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 16.242 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 15.186 đồng/kg.

Bích Diệp (tổng hợp)

13-14 “sân sau”, đừng tưởng Thủ tướng không biết; quan chức vướng bê bối “đất vàng” - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm