1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

12 dự án thua lỗ ngành công thương: Có dự án 3 lần bán không ai mua

(Dân trí) - Trong số 12 dự án yếu kém của ngành công thương, nhà máy giấy Phương Nam bán 3 lần chưa được, tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng không ai tham gia. Trong khi đó, nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã có lãi và đủ điều kiện để “vinh dự” đưa ra khỏi danh sách yếu kém.

Sáng nay (25/7), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018.

Có cơ hội thoát danh sách đen?

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo chi tiết việc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành.

Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết, trong số 12 dự án yếu kém, nhà máy giấy Phương Nam bán 3 lần chưa được, đấu giá mãi nhưng không ai tham gia.

Dự án Sơ xợi Đình Vũ có cơ hội thoát khỏi dan sách 12 dự án yếu kém của ngành công thương
Dự án Sơ xợi Đình Vũ có cơ hội thoát khỏi dan sách 12 dự án yếu kém của ngành công thương

Trong khi đó, theo ông An với Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ, 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần của Nhà máy.

“Nếu như riêng trong năm 2016 nhà máy xơ sợi Đình Vũ bị thua lỗ 400 tỷ đồng, thì trong 6 tháng đầu năm 2018 nhà máy đã sản xuất kinh doanh có lãi 65 tỷ đồng. Nhà máy xơ sợi Đình Vũ có đủ điều kiện để “vinh dự” đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém. Đây là tín hiệu tốt, Bộ Công Thương sẽ báo cáo xin đưa dự án này để động viên tâm lý anh em.” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Đối với Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung, sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi.

Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS, có 4 dự án đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định.

Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp sáng 25/7
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp sáng 25/7

Theo Bộ Công Thương, các dự án đi vào hoạt động ổn định và các dự án vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã bảo đảm duy trì việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án.

Tiến độ CPH, thoái vốn tiếp tục chậm

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, các quy định mới đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc cổ phần hóa (CPH), thoái vốn chặt chẽ, công khai minh bạch hơn, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước...

Đáng nói, tổng số tiền thu từ CPH, thoái vốn từ năm 2016 đến nay đạt mức 198.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng số thu từ CPH, thoái vốn giai đoạn 2011 - 2015 (khoảng 78.000 tỷ đồng). Số tiền chuyển Ngân sách Nhà nước là 115.000 tỷ đồng trên tổng kế hoạch tài chính công trung hạn 250.000 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch của cả giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy vậy, lãnh đạo Chính phủ đánh giá những tồn tại hạn chế, trong đó tiến độ CPH doanh nghiệp Nhà nước chậm so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2018 phải hoàn thành CPH 85 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới CPH được 19 doanh nghiệp.

Riêng TPHCM năm 2018 phải thực hiện CPH 39 doanh nghiệp, Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 11 doanh nghiệp, nhưng đến nay 2 thành phố lớn nhất nước vẫn chưa CPH được doanh nghiệp nào.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm so với kế hoạch đề ra. Năm 2017 có 135 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, nhưng chỉ mới thoái vốn được 17 doanh nghiệp. Năm 2018, có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, nhưng đến nay, mới thực hiện thoái vốn tại 10 doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành đầy đủ và đúng tiến độ các cơ chế, chính sách và đề án về sắp xếp, đổi mới và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2017 chưa hoàn thành và theo kế hoạch năm 2018. Chủ động tháo gỡ, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc CPH, thoái vốn, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch CPH, thoái vốn năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cuối năm có báo cáo đánh giá, kiểm điểm xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, các tổ chức cá nhân có liên quan nếu không hoàn thành kế hoạch được giao.

Châu Như Quỳnh

12 dự án thua lỗ ngành công thương: Có dự án 3 lần bán không ai mua - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm