1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"100.000 tỷ đồng cho công ty xử lý nợ xấu" là không có cơ sở

(Dân trí) - Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định không có cơ sở nói số vốn mà công ty xử lý nợ xấu cần là 100.000 tỷ đồng. Đồng thời cho biết, để huy động vốn, sẽ không dùng tiền mặt mà sẽ sử dụng các công cụ tài chính khác.

Chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra chiều nay (3/7), Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu đến nay vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, xây dựng.

Hiện, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải có phương án xử lý giải quyết. Vì, nhìn nhận của cơ quan điều hành, đây chính là điểm nghẽn ngăn cản khiến doanh nghiệp không tiếp cận được vốn mà ngân hàng cũng không dám mạnh dạn cho vay ra.

“Nếu vốn không chảy ra phục vụ sản xuất kinh doanh thì kể cả khi nguồn tín dụng huy động được có tăng lên, tổng phương tiện thanh toán có tăng lên thì vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng và không giúp được cho phát triển” – Bộ trưởng Đam phân tích.

Do vậy, Bộ trưởng Đam cũng cho biết thêm, để đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế thì không có nghĩa là NHNN phải chờ đến lúc thành lập công ty mua bán nợ xấu này mới bắt tay vào. Ngay tới đây, NHNN có trách nhiệm chỉ đạo các ngân hàng thương mại làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, có sự hỗ trợ ở mức cần thiết của các cơ quan chính quyền các cấp để xử lý.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (ảnh: B.D).

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (ảnh: B.D).

Việc thành lập công ty mua bán nợ đã được NHNN nghiên cứu. Ông đồng thời cũng phủ nhận con số 100.000 tỉ  đồng (vốn mà công ty này đang cần). “Có thể là do nhầm lẫn, tôi không biết là con số này từ đầu ra”.

Theo đó, vấn đề này vẫn đang nghiên cứu và chưa có cơ sở để công bố con số cụ thể. Con số trên có thể là sự ước lượng về số tiền cần dùng để giải quyết số nợ.

Bộ trưởng Đam nhấn mạnh thêm, để huy động được vốn thành lập công ty mua bán và xử lý nợ xấu này sẽ tính đến dùng các công cụ tài chính có thể chuyển đổi trên các thị trường chứ không phải dùng tiền mặt.
 
Trước đó, tại phiên họp Quốc hội ngày 7/6, Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố con số nợ xấu của toàn ngành ngân hàng lên đến 10% tổng dư nợ tín dụng từ mức 3% hồi cuối năm ngoái và 6% hồi đầu năm nay.

Do đó, để có thể xử lý số nợ này, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã dự kiến thành lập công ty mua bán nợ với số nợ mua có thể lên tới 100.000 tỷ đồng với mục đích nhằm lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại cũng như của doanh nghiệp.

Từ đó, ngân hàng sẽ có thể đẩy mạnh tín dụng vào nền kinh tế, tháo gỡ ách tắc trong lưu chuyển dòng vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Theo Thống đốc, “do phải gánh cả chi phí xử lý nợ xấu nên các ngân hàng chưa thể hạ lãi suất cho vay xuống như mong muốn”.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng đã lưu ý, đề án này mới chỉ thống nhất trong nội bộ Ngân hàng Nhà nước. Khi nào trình Chính phủ và được thường trực Chính phủ thống nhất thì sẽ công bố.

Đã trình Thủ tướng phương án xử lý 9 ngân hàng yếu kém

Cũng tại phiên họp báo chiều nay, trả lời câu hỏi Dân trí về việc xử lý các ngân hàng yếu kém, bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của NHNN cho biết, phương án xử lý các NH yếu kém đến nay đã hoàn tất và trình Chính phủ. Theo đó, đã có những phương án đã được phê duyệt.

Trước đó, tại nghị trường Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố trong tháng 6 sẽ hoàn tất phương án xử lý toàn bộ 9 ngân hàng yếu kém.

Trong phương án chung, 9 ngân hàng đặc biệt yếu kém này, sau khi kiểm toán đặc biệt và kiểm toán độc lập sẽ để các ngân hàng này được phép tự xây dựng phương án xử lý cho mình, chỉ khi không xây dựng được phương án riêng thì NHNN sẽ bắt buộc phải xử lý cho sáp nhập. 

Liên quan đến việc thu phí ATM của các ngân hàng thương mại, bà Hồng cho hay, NHNN sẽ tiến hành kiểm tra, nếu như các TCTD không thực hiện theo đúng quy định pháp luật thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm