1 tuần xuất khẩu 5 tấn vàng

Hôm qua lại là một ngày sóng gió leo thang trên thị trường vàng. Giá vàng tăng nóng, lượng người dân và nhà đầu tư bán ra chốt lời đã khiến nguồn cung vàng trên thị trường dồi dào.

 Mối lo ngại về việc xuất khẩu lậu kim loại quý này dưới dạng nữ trang cũng đã được đặt ra.
 
1 tuần xuất khẩu 5 tấn vàng - 1
Nguy cơ "chảy máu" vàng đang được đặt ra khi giao dịch thị trường trở nên sôi động (Ảnh minh họa).


1 tuần xuất 5 tấn vàng

giá vàng trong nước đang tăng nóng nhưng hầu hết những ngày qua, trong so sánh tương quan về giá, giá vàng trong nước vẫn rẻ hơn giá thế giới từ 300.000 đến 450.000 đồng mỗi lượng. Điều này đã khiến mua, bán trên thị trường sôi động. Việc thị trường sôi động trở lại với hoạt động mạnh tay mua của giới kinh doanh vàng được lý giải là do giá vàng trong nước rẻ hơn giá thế giới và doanh nghiệp có thể tận dụng thời điểm giá cao để xuất vàng.


Theo một số công ty kinh doanh vàng, hơn một tuần qua, tận dụng thời điểm giá thấp, đã có nhiều công ty xuất khẩu vàng dưới dạng nữ trang, số lượng có thể khoảng 5 tấn vàng. Tuy nhiên, đến chiều qua, khi giá vàng thế giới giảm nhẹ và giá trong nước tăng, cùng với sự tăng giá của đồng bạc xanh (USD) đã khiến giá vàng trong nước chênh lệch không còn nhiều so với giá thế giới. “Giá vàng trong nước đã sát với giá thế giới và nếu tiếp tục giá này, diễn biến xuất khẩu nữ trang có thể khác hơn so với tuần trước”, một chuyên gia chia sẻ.

Tổng cục Hải quan cho hay, riêng trong tháng 6, lượng vàng các doanh nghiệp xuất đi đạt hơn 14 tấn, tăng đột biến so với số liệu 6 tháng đầu năm là hơn 24 tấn. Trong thời gian qua cũng đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp đã lợi dụng quy định về thuế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ để xuất khẩu vàng nguyên liệu biến tướng dưới dạng vàng trang sức, mỹ nghệ với khối lượng lớn. Thậm chí, có doanh nghiệp đã xuất tới 2,8 tấn chỉ trong thời gian từ 16/5 đến 8/6. Nhiều doanh nghiệp tư nhân không được cấp phép nhập khẩu vàng trong mấy năm qua cũng xuất với số lượng trên 1,3 tấn và 0,7 tấn trong cùng thời gian trên.

Có kiểm soát được xuất lậu?

Trên thực tế, việc xuất khẩu vàng đã mang về cho Việt Nam một lượng ngoại tệ lớn, để kim ngạch xuất khẩu đỡ chông chênh so với lượng nhập khẩu. Nhưng trong thời điểm này, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi thông điệp lo ngại về tình hình xuất khẩu lậu vàng miếng dưới dạng vàng nữ trang từ hôm 16/5 – 8/6 của một số công ty vàng bạc đá quý.

Trả lời về việc có tình trạng các đơn vị kinh doanh vàng lợi dụng thời điểm này để xuất khẩu lậu vàng ra nước ngoài hay không, một phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM thẳng thắn: “Cũng khó có thể nói hoạt động này không diễn ra. Doanh nghiệp cứ thấy lợi là… làm thôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là tăng cường kiểm tra”. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, những đơn vị thuộc diện quản lý của Ngân hàng Nhà nước thì mới… kiểm tra được, còn khá nhiều đơn vị thuộc diện quản lý của Chi Cục quản lý thị trường. Để hạn chế việc xuất khẩu vàng miếng dưới dạng nữ trang, hiện nay Việt Nam đã đánh thuế 10% đối với loại này nhưng thực tế nguy cơ xuất lậu trong thời điêm giá vàng trong nước rẻ hơn là rất cao.

Theo công văn mới đây gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh giảm hàm lượng của các loại vàng thành phẩm chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu 10% của các loại trên từ 99% xuống còn 80%. Các nghiệp vụ hải quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ như giám định chất lượng của vàng trang sức với các doanh nghiệp có lô hàng xuất khẩu lớn, không thường xuyên; kiểm tra hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ liên quan đến nguồn hàng; quy định cửa khẩu xuất khẩu... cũng được Ngân hàng Nhà nước đề nghị tăng cường gắt gao hơn.

 

Theo P.Nhi - B.An

Đất Việt

 

Dòng sự kiện: Giá vàng tăng phi mã