"Về với Phật" nhân mùa Vu Lan ở Berlin

(Dân trí) - Lễ Vu Lan là một ngày lễ lớn của Phật giáo, không chỉ có ý nghĩa là ngày cúng lễ tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, cúng cho các vong hồn cô quạnh mà sâu xa hơn, nó nhắc nhở người ta biết trân trọng những gì mình đang có: cha mẹ, gia đình, người thân. Mặt khác, nghĩ về cái chết, cõi chết để con người nhận thấy ý nghĩa của cuộc đời, biết làm những điều tốt đẹp hơn cho sự sống, cõi sống.

 

"Về với Phật" nhân mùa Vu Lan ở Berlin - 1

Chùa Linh Thứu tại Berlin, Đức

Trong truyền thống văn hóa của người Việt ta, tháng Bảy là tháng Xá tội vong nhân, hướng về tổ tiên, là dịp để người sống dâng cúng đồ ăn, thức uống, áo quần,… cho người đã khuất, bởi người ta tin rằng trong tháng 7, trời đất sẽ mở lối cho người âm lên nhận những lễ vật cúng tiến của con cháu họ. Lễ Vu Lan của Phật giáo rất gần gũi với nét văn hóa truyền thống ấy. Do đó, lâu dần có những đồng nhất trong khái niệm ở nhiều nơi, gọi chung là Mùa Vu Lan hay Mùa báo hiếu.

Ở trong nước, Lễ Vu Lan thường được tổ chức vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch, nhưng để linh ứng với hoàn cảnh công việc của kiều bào ta ở nước ngoài, các hội đoàn Phật giáo và nhà chùa thường điều chỉnh thời gian phù hợp, để tiện cho bà con tới dự. Năm nay ớ Đức, Lễ Vu Lan được tổ chức đồng loạt tại các Chùa vào ngày 30/8/2015, tức ngày 17/7/2015 âm lịch (nhằm ngày Chủ Nhật).

Từ 10 giờ sáng, tại Chùa Phổ Đà, trước Trung tâm ITC Thái Bình Dương, trên hai trăm phật tử và những người dân kính ngưỡng Phật giáo đã đến dâng hương, dự Lễ và tham gia nghi thức “Bông hồng cài áo” để tri ân, tưởng nhớ tới các bậc sinh thành. Hòa thượng Tịnh Quang, trụ trì chùa Khuông Việt ở Pháp đã sang làm chủ Lễ. Buổi Lễ diễn ra trang nghiêm, thành kính và đậm đà bản sắc dân tộc. Trước phút mặc niệm, tưởng nhớ tới Chủ tịnh Hồ Chí Minh, cùng các vị anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ và thống nhất đất nước, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng, xúc động. Dẫu biết rằng Phật giáo Việt Nam luôn song hành với quá trình dựng nước và giữ nước, luôn hòa chung với tiếng nói và tinh thần dân tộc, nhưng ở nơi đất khách xa xôi này, điều đó thật thiêng liêng, cao cả. Tiếng trống, chuông Bát Nhã ngân lên trên cõi linh thiêng, rồi vọng lại từ trong sâu thẳm, như nhắc nhở tận đáy lòng những người con xa xứ. Nhiều người không thể cầm lòng, nhất là khi bài từ đầy cảm xúc của Hòa thượng Tịnh Quang về hiếu đạo, về tình cảm thiêng liêng của các bậc sinh thành được đọc lên ở chốn xa xăm này.

"Về với Phật" nhân mùa Vu Lan ở Berlin - 2

Các phật tử tập trung lắng nghe sư Tịnh Quang thuyết giảng về nguồn gốc của Lễ Vu Lan tại chùa Phổ Đà

Sau đó một ngày, tối 31/08/2015, Hội phật tử Việt Nam tại CHLB. Đức, trực thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Đại lễ Vu Lan Phật lịch 2559-DL.2015, tại Hội trường Việt phố, thuộc Trung tâm thương mại Thái Bình Dương, Berlin, để các Phật tử cùng có dịp tề tựu, tri ân và tưởng nhớ tới cha mẹ nơi quê nhà.

Hiện nay, Phật giáo là tôn giáo đứng thứ ba, sau Ki-Tô giáo và Hồi giáo về số lượng tín đồ trong xã hội Đức. Phật giáo Việt Nam được du nhập vào đây từ những năm 1970 ở phía Tây Đức, dưới sự dẫn dắt và lãnh đạo tinh thần của Thượng Tọa Thích Như Điển - Trụ trì Chùa Viên Giác tại Hannover (Chùa được xây dựng từ năm 1981, trước đó là Niệm Phật đường Viên Giác) và Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, người đã thành lập “Viện Phật Giáo Ứng Dụng Châu Âu“ tại thành phố Waldbröl vào năm 2008.

Phía Đông Đức, từ năm 1987, Ni sư Thích Nữ Diệu Phước đã chủ sự lập ra Niệm Phật đường Linh Thứu tại đường Krefelder Str. dưới sự giúp đỡ tài chính của Hội Hồng Thập Tự. Sau này, cùng với sự chung tay của cộng đồng phật tử, Chùa Linh Thứu đã được xây dựng khang trang tại đường Heidereuter Str., Berlin. Đến nay tại Berlin đã có bốn ngôi chùa do người Việt Nam xây dựng, gồm Chùa Linh Thứu, Chùa Phổ Đà, Chùa Quán Thế Âm và Chùa Từ Ân. Ngôi Chùa sớm nhất, được xây cất từ năm 2005, là Chùa Phổ Đà, tại Marzahner str.17, quận Lichtenberg.

"Về với Phật" nhân mùa Vu Lan ở Berlin - 3

Hòa thượng Tịnh Quang chủ trì pháp sự trước sân chùa tại chùa Phổ Đà

Nói về những khó khăn của thời kỳ đầu mới hình thành ngôi chùa này, bà Trịnh Thị Mùi, chủ sở hữu Trung tâm Thái Bình Dương (Berlin), người đã chủ trì xây lên ngôi chùa này tâm sự: “Nhiều người lúc đầu chưa hiểu tâm nguyện của chị nên nhìn bằng ánh mắt đầy hoài nghi. Thậm chí, có vài người từng “ác ý” phao lên những tin đồn thất thiệt, bảo chị xây chùa để kinh doanh, hòng làm mất uy tín cá nhân của chị. Tuy nhiên, đến nay thì hầu hết mọi người đều đã hiểu, đã chung tay góp sức để vun vén cho chốn tâm linh, tín ngưỡng đậm đà bản sắc dân tộc này, cũng là để gửi gắm tinh thần, xoa dịu những góc khuất thiếu thốn tình cảm quê hương cho bản thân và cộng đồng người Việt xa xứ”.

Đại đức Thích Pháp Nhẫn, Trụ trì chùa Phổ Đà cho biết: “Tuy vẫn mượn đất của Trung tâm Thái Bình Dương, nhưng Chùa trực thuộc Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam, tất cả các hoạt động và công tác quản lý của Chùa đều hoàn toàn độc lập, do thầy chủ sự. Thầy cũng rất ghi nhận sự tạo điều kiện và hỗ trợ công đức thường xuyên của chị Mùi, người đã góp phần quan trọng, cùng với chúng đại phật tử xây dựng để Chùa Phổ Đà được khang trang như ngày hôm nay. Từ vài chục phật tử ban đầu, đến nay đã có hàng trăm người thường xuyên đến Chùa. Điều đó chứng tỏ mảnh đất này rất có duyên với Phật. Tháng bảy này, những ngày cuối tuần thường có tới hàng trăm người đến chùa lễ Phật và làm pháp sự, cầu an cho cha mẹ, tổ tiên của mình”.

 

"Về với Phật" nhân mùa Vu Lan ở Berlin - 4

Nhiều phật tử đã không thể cầm lòng khi nghĩ đến cha mẹ nơi quê nhà tại chùa Phổ Đà

Về nghi thức “Bông hồng cài áo”, theo “Nguyệt San Giác Ngộ 2008”, năm 1962, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã viết đoạn văn “Bông hồng cài áo” gửi cho các đệ tử trong đoàn Sinh viên phật tử Sài Gòn do Ông hướng dẫn. Cảm động trước ý nghĩa và tinh thần được truyền tải trong đoạn văn ấy, họ chuyền tay, gửi cho nhau, rồi đăng tải trên Tập san Liên Hoa của Giáo Hội Tăng Già Trung Phần,…  Rằm tháng 7 năm đó, lần đầu tiên nghi thức “Bông hồng cài áo” được tổ chức tại Chùa Xá Lợi. Sau đó “phong trào” tự động phát khởi nhân rộng ra nhiều nơi và rất tự nhiên trở thành một “nghi thức” khá đặc thù trong văn hóa Phật giáo của người Việt. Đến nay, không chỉ với Phật giáo trong nước mà ở nhiều nơi trên thế giới cũng đã thực hiện nghi thức này.

“Về với Phật” trong dịp Đại Lễ Vu Lan, dù chưa phải là tín đồ Phật giáo, nhưng khi tiếng chuông chùa ngân lên, quyện trong những âm thanh nguyện cầu, lòng tôi bỗng thấy vợi đi chút nỗi niềm từ sâu lắng, như gửi gắm được rất nhiều tâm sự. Và bất chợt đến, một thoáng nhẹ nhõm như vừa làm được điều gì để báo hiếu với Cha, Mẹ, Tổ Tiên nơi quê nhà.

 Nguyễn Thức Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm