Truyền thông góp sức gìn giữ tiếng Việt tại hải ngoại

Thời gian qua, truyền thông đa phương tiện và các cơ quan báo chí đã và đang tích cực hỗ trợ kiều bào giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt.

Truyền thông góp sức gìn giữ tiếng Việt tại hải ngoại

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ các giáo viên kiều bào về nước hồi đầu tháng 10/2013. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Bằng các kênh truyền thông ngày càng đa dạng và hiệu quả, các cơ quan báo chí đã và đang tích cực hỗ trợ đồng bào ta ở nước ngoài giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc; hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam cũng như quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và thông qua cộng đồng đến với bạn bè quốc tế.

Cũng vì thế, lần thứ hai, hội thảo "Báo chí với việc nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài" được tổ chức ngày hôm nay (22/10), tại Hà Nội đã thu hút được nhiều đại diện tham gia.

Các phóng viên, biên tập viên tiêu biểu các cơ quan báo chí của người Việt ở nước ngoài (Hoa Kỳ, Nga, Séc, Ba Lan...) cùng các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan văn hóa, truyền thông, giáo dục trong nước đã có cơ hội để trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt; góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Sự kết nối truyền thông trong nước và nước ngoài có liên quan gì đến việc giữ gìn tiếng Việt? Trả lời câu hỏi này, nhà báo Hoàng Hướng, Trưởng phòng Việt kiều, Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, nguồn cung cấp thông tin trong nước chủ yếu qua truyền thông. Nếu các cơ quan báo chí cộng đồng cập nhật được nhiều thông tin trong nước qua việc hợp tác song phương, đa phương sẽ tạo được uy tín với cộng đồng, từ đó tạo ra một không gian tiếng Việt chân thực, trong lành cho cộng đồng.

Theo ông Hoàng Hướng, qua sự hợp tác ấy, báo chí trong nước cũng có được nguồn tin thời sự liên quan đến cộng đồng ở nước ngoài. Khi những “liên minh” truyền thông tạo được uy tín với khán giả, thính giả, chúng ta sẽ tạo ra được nhiều cơ hội quảng bá các chương trình dạy tiếng Việt thông qua các phương tiện có sẵn của mình.

"Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, nội dung về công tác thông tin tuyên truyền, dạy và học tiếng Việt là một trong những nội dung quan trọng cần đánh giá sâu sắc, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, biện pháp mới. Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ góp phần tổng kết Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và việc triển khai công tác thông tin tuyên truyền, công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới," tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết.

Theo đó, đại biểu các cơ quan báo chí trong và ngoài nước cũng đã tham luận với các nội dung: Tình hình dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và kết quả bước đầu triển khai 2 bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt; Chương trình và sách dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài; Công tác thông tin đối ngoại với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; Phát huy vai trò báo chí trong công cuộc quảng bá tình hình đất nước, văn hóa, kinh tế tại cộng đồng...

Sau hội thảo, đoàn đại biểu kiều bào sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động giao lưu, làm việc với các cơ quan báo chí trong nước; thăm và làm việc với các cơ quan báo chí tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...; thăm các địa điểm văn hóa như Văn Miếu, Hội An, Đền thờ vua Quang Trung. Đặc biệt, đoàn có chương trình thăm nghĩa trang Bình An tại xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Hội thảo do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.

Theo Xuân Mai 

Vietnam+