Trò chuyện với người Việt nổi tiếng ở Hungary

Lần đầu trong đời, những hình dung của tôi về người sắp gặp đều trật lấc. Đó là một chiều Đông Hà Nội - khi tôi được lần đầu ngồi nhâm nhi cà phê cùng với Bích Thiện - cô gái Hà thành tuổi Thân nhưng cuộc sống chẳng hề lận đận như các cụ vẫn quan niệm.

Chị Phan Bích Thiện nhận giải thưởng Khách sạn của năm 2011 ở Hungary.

Chị Phan Bích Thiện nhận giải thưởng Khách sạn của năm 2011 ở Hungary.

Chiều Đông Hà Nội trong cái lạnh tê người và mưa bụi giăng phủ, tôi hẹn gặp Bích Thiện vì chị không thể sắp xếp được cuộc gặp với tôi vào một lúc nào khác trước chuyến bay trở lại Hungary. Thế nhưng, dường như cuộc hẹn với thời gian khá gò bó, trong thời tiết khắc nghiệt của Hà Nội vào giờ tan tầm - khi mọi người qua lại tấp nập trở về nhà sau ngày làm việc vất vả - đã tình cờ tạo cho tôi và chị một không gian thực sự lý tưởng để trò chuyện trong quán cà phê Kro ở đường ven Hồ Tây. Quán vắng, nên chúng tôi được độc chiếm toàn bộ không gian tầng 2, nơi nhìn ra Hồ Tây mờ ảo lúc chạng vạng.

Nhầm lẫn thú vị

Ban đầu, qua điện thoại, tôi một mực một điều "cô Bích Thiện", hai điều xưng cháu rất hệ trọng và lễ phép - bởi tôi hình dung mình sẽ được gặp một bà Việt kiều tuổi trạc ngũ - lục tuần, sẽ khá khó tính vì bận rộn với nhiều chức vụ quan trọng. Đến giờ hẹn, tôi nhận được một cái hẹn khác lùi lại nửa tiếng và đến cái hẹn sau thì tôi đứng đi tới đi lui trước điểm hẹn khoảng 15 phút đồng hồ - chẳng có chiếc xe nào dừng lại - mọi người đều mải miết, vun vút trên đường...

Vốn rất kiên nhẫn nhưng tôi bắt đầu thoáng thất vọng và đặt ra một số giả thiết, chẳng hạn như tôi đã tới sai địa chỉ, bà Việt kiều bị tắc đường hoặc... lạc đường. Ngó vào trong quán cafe thì chẳng hề gặp một gương mặt nào có vẻ chờ đợi một cuộc hẹn trong số hiếm hoi khách hàng. Đang băn khoăn, tôi chợt thấy một thiếu nữ - à không, có lẽ đó là một cô gái trẻ thôi - mặc chiếc váy đỏ khoác áo choàng đen với chiếc khăn quấn hờ hững quan cổ nhanh nhẹn bước tới, ánh mắt như đang tìm ai. "Không lẽ đây là cô Bích Thiện"? - tôi nghĩ thầm. "Cô gái" cười cười với tôi rồi hỏi: "Có phải cháu phóng viên đấy không nhỉ?" - tôi mừng rỡ gật đầu rối rít, bụng nghĩ thầm: "Trời ơi, sao từ hôm qua tới giờ, mình xưng hô một người trẻ đến nhường này và đẹp đến nhường này như với một cụ bà đáng kính?". Chúng tôi đi lên cầu thang...

Tại quầy bar, "cô Bích Thiện" chọn món đồ uống nâu nóng giống tôi và cả hai bắt đầu ngay cuộc trò chuyện khi bước chân lên cầu thang. Đến khi yên vị thì "cô Bích Thiện" quay sang bảo tôi: "Xưng hô chị - em thôi nhé. Thấy em cứ gọi cô làm chị cũng phải gọi em là cháu". Tôi đỏ bừng mặt thanh minh về lý do khiến những hình dung về chị chẳng có gì trùng hợp với thực tế gặp gỡ.

Bích Thiện - ấn tượng đầu tiên về chị của tôi - đó là một người phụ nữ vô cùng thân thiện có dung mạo trẻ hơn rất nhiều so với năm sinh Mậu Thân của chị. Ấy thế nhưng, vì không ăn ảnh và thường được cánh báo chí gọi với đủ lệ bộ danh xưng: "Bà Phan Bích Thiện - Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary - Việt Nam, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary" nên từng ấy chức danh cũng dễ khiến người ta hình dung chị hẳn phải là một người "có tuổi".

Thành công nhờ táo bạo

Vừa nghe chị kể về lý do mình chưa từng có giây phút nào rời bỏ quốc tịch Việt Nam mà lại luôn xuất hiện trước báo giới như là một kiều bào nhiều năm xa xứ - tôi vừa có dịp ngắm chị kỹ hơn. Phụ nữ độ tuổi như chị mà có được làn da và phom người chuẩn đến vậy quả là hiếm thấy. Bích Thiện cũng là một trong số ít những nữ Tiến sĩ tôi từng được gặp có vẻ ngoài duyên dáng đến vậy. Hóa ra, Bích Thiện luôn được gọi là "Việt kiều" chỉ vì chị đi học xa nhà lâu năm rồi sau đó lấy chồng người Hungary và lập nghiệp trên quê hương của ông xã. Ngoài ra, chị cũng thường đại diện hoặc tham gia nhiều hoạt động của kiều bào tại Hungary hướng về quê hương, đất nước nên mọi người luôn nghĩ chị là kiều bào. Đặc biệt, với chất giọng "khá Tây" và cách phát âm tiếng Việt dù rất chuẩn, nhưng có gì đó là lạ dễ khiến người đối diện khâm phục chị về khả năng tiếng Việt lưu loát của một "kiều bào".

Bích Thiện tâm sự: "Dù sang Nga du học từ năm 1986 và kết hôn rồi làm ăn nhiều năm ở Nga, sau đó mới về Hungary lập nghiệp cùng chồng - nhưng suốt quãng thời gian đó, tôi vẫn bay đi bay về Việt Nam như "đi chợ" bởi công việc kinh doanh của gia đình có liên quan nhiều đến yếu tố Việt Nam. Nếu đặt mục tiêu lợi nhuận thì có lẽ, chẳng có ai bỏ ra nhiều công sức đến vậy cho những chuyến bay nửa vòng Trái Đất hết sức tốn kém, nhưng với tôi, đó còn là một đam mê - đam mê mang những sản phẩm, những vật phẩm văn hóa Việt đến quê hương thứ 2 của mình để người dân sở tại có thể phần nào hình dung rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam"'.

Năm 2002, ngay sau khi sinh con gái thứ 2, vợ chồng chị Bích Thiện quyết định mua lại tòa lâu đài ở Simontomya, vốn trước đây do dòng họ Fried xây dựng, trong chương trình Tư nhân hóa các lâu đài thuộc sở hữu nhà nước của Hungary. Khi đó, Fried là một lâu đài gần như đổ nát vì trải qua thời gian quá lâu không được trùng tu. Tuân thủ quy định của Chính phủ Hungary về việc phải giữ nguyên toàn bộ phong cách, kiến trúc vốn có của tòa lâu đài khi trùng tu, còn nội thất thì chủ nhân được tự quyết định - vợ chồng chị Bích Thiện may mắn tìm lại được một cuốn sách cổ viết về dòng họ Fried, với một số hình ảnh mô tả lại dung mạo của lâu đài từ khi mới được xây dựng. Chính vì vậy, anh chị đã chỉ mất 2 năm để trả lại cho tòa lâu đài đổ nát Fried vẻ đẹp cổ kính kiên cố từng có của nó.

Trong suốt thời gian này, thực hiện ý tưởng không giống ai, Bích Thiện đã thực hiện không biết bao nhiêu chuyến bay trở về Việt Nam và thông thuộc tất cả đường ngang ngõ tắt của làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh). Có lẽ sẽ có người cho rằng chị quá phiêu lưu, hoang tưởng với kế hoạch trang bị nội thất từ bàn ghế, giường tủ, cầu thang cho đến các cánh cửa sổ và cửa ra vào... cho tòa lâu đài hoàn toàn bằng các sản phẩm đồ gỗ của Đồng Kỵ. Đặc biệt là với ý tưởng trang trí mỗi phòng trong tòa lâu đài hoàn toàn khác nhau nên những đồ dùng mà Bích Thiện đặt làm cho từng phòng cũng lại là kết quả lao động nghệ thuật khá công phu của hai vợ chồng chị. Nội thất Đồng Kỵ không những hòa hợp với toàn bộ kiến trúc bên ngoài và sự cổ kính của lâu đài Fried mà lại vẫn giữ được bản sắc của những sản phẩm chỉ có thể có ở Việt Nam.

Nhờ ý tưởng táo bạo này, cùng với sự đầu tư chất xám hết sức nghiêm túc của anh chị - dự án khách sạn lâu đài Fried đã thu hút được sự chú ý của người dân Hungary và tiếp đó là truyền thông nước này khi mà nó sở hữu một lối kiến trúc nội thất mà không một khách sạn nào ở đất nước Hungary xinh đẹp này có được. Cũng nhờ đó, kể từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2005, với tuổi đời còn rất trẻ của mình, nhưng Khách sạn lâu đài Fried đã liên tục "ẵm" các giải thưởng danh giá ở Hungary như: Khách sạn đẹp nhất Hungary (năm 2010) và Khách sạn của năm (năm 2011). Đến năm 2012, dù Fried không muốn tham gia vào cuộc bình chọn nhưng cuối cùng vẫn đứng thứ 2 trong danh sách những khách sạn nổi tiếng nhất Hungary...

Những câu chuyện hết sức mạch lạc với nhiều câu chuyện thú vị về hành trình lập nghiệp và chinh phục người Hungary bằng văn hóa Việt của Bích Thiện thật khó có hồi kết, nhưng đã đến lúc cả hai chúng tôi phải dành thời gian cho những công việc khác vẫn đang chờ đợi. Chia tay Bích Thiện, tôi có cảm giác, dường như đây không phải là cuộc gặp đầu tiên. Người phụ nữ Hà thành sinh ra bên bờ Hồ Tây này có lẽ đã chinh phục tất cả những người từng gặp chị bởi sự thân thiện và nhiệt thành đầy sức hút ấy.

Theo Khánh Nguyễn

TG&VN