Mỗi người Việt trẻ là một đại sứ...

Rất nhiều người Việt trẻ đã một mình vác ba lô lên đường du học ở một miền đất lạ để tìm kiếm những điều mới mẻ. Có thể nhìn thấy sức trẻ cũng như niềm tin ấy ở Vũ Nam Khánh - chàng trai 25 tuổi vừa hoàn thành chương trình thạc sỹ và là thành viên của Hội Doanh Nhân Việt Nam tại Pháp.

Vũ Nam Khánh.
Vũ Nam Khánh.
Chào Nam Khánh, cơ duyên nào đưa bạn tới Pháp?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, quê nội và ngoại đều ở Bắc Ninh. Sau khi học đại học ở Việt Nam, tôi quyết định sang Pháp tiếp tục theo học năm cuối đại học và chương trình thạc sỹ ở Pháp và Mỹ.

Tôi đặt chân tới nước Pháp năm 2010. Cũng như nhiều du học sinh khác, tôi thấy có rất nhiều điều thú vị để khám phá nhưng cũng có không ít khó khăn. Sống và học tập trong môi trường mới mang lại cho tôi những trải nghiệm đáng nhớ. Việc được sống độc lập trong ngôi nhà của mình, hòa nhập vào hoạt động thường ngày và được tiếp cận văn hóa Pháp mang lại cho một người Việt trẻ như tôi những vốn sống đáng quý.

Quyết định một mình đặt chân tới Pháp, hẳn bạn gặp không ít khó khăn?

Đúng thế. Ngôn ngữ là rào cản đầu tiên mà du học sinh phải vượt qua. Tôi đã rất may mắn khi có rất nhiều người bạn Pháp và do cũng rất cởi mở trong việc tiếp xúc với mọi người xung quanh nên trong một thời gian tương đối ngắn, tôi đã có một vốn tiếng Pháp đủ để đảm đương tốt nhiệm vụ học tập và giao tiếp với người bản địa.

Khó khăn thứ hai là việc học ở trường. Do thời điểm đầu khi tiếng Pháp còn hạn chế, du học sinh cần phải đầu tư thời gian gấp hai hoặc ba lần bình thường để có thể theo kịp lớp. Cũng nhờ cố gắng, sau hai năm học, tôi là một trong hai người trong lớp được gửi sang Mỹ để hoàn thành chương trình thạc sỹ.

Không thể không nói đến một khó khăn khác là nỗi nhớ quê hương và gia đình. Khó khăn này chỉ xuất hiện bắt đầu từ tháng thứ ba khi các khó khăn khác ập đến hay vào các dịp lễ và sự kiện quan trọng.

Khó khăn cuối cùng chính là tài chính. Như nhiều bạn sinh viên khác, tôi đã cố gắng tiết kiệm trong sinh hoạt và tranh thủ đi làm thêm. Để dễ tưởng tượng hơn, có thể so sánh việc một học sinh Việt Nam sang Pháp học cũng không khác nhiều so với một bạn sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội hoặc vào TP. Hồ Chí Minh vậy.

Lý do gì khiến bạn ở lại ở Paris khi đã hoàn thành xong chương trình thạc sỹ?

Kinh tế Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đang khó khăn nên để kiếm được công việc phù hợp với tôi là không hề dễ dàng. Thách thức này còn nhân lên gấp bội đối với người nước ngoài.

Tuy nhiên, được sống ở Paris hoa lệ cũng là một điều vô cùng thú vị vì tôi có thể tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục, giải trí phần lớn miễn phí với sinh viên và người dưới 26 tuổi.

Ngoài ra, tôi còn là thành viên của Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp và chịu trách nhiệm về marketing và truyền thông. Hiện Hội của chúng tôi thường xuyên kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức các hoạt động văn hóa, ngoại giao, kinh tế giữa hai nước. Qua đây, tôi học tập được nhiều kinh nghiệm cho bản thân.

Mặt khác, ở Pháp, cộng đồng người Việt Nam đông đảo về số lượng và phát triển tương đối tích cực. Nhiều đoàn hội được thành lập và có vai trò nhất định trong việc đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam cũng như thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước.

Không chỉ vậy, thế hệ trẻ Việt Nam ở Pháp như tôi được biết đều rất quan tâm đến Việt Nam và cố gắng tìm cách đóng góp một phần sức lực của mình cho sự phát triển của đất nước. Hiện tại ở Paris có Trung tâm văn hóa Việt Nam - nơi tổ chức các lớp học tiếng Việt cũng như rất nhiều các hoạt động văn hóa truyền thống định kỳ liên quan tới Việt Nam. Đây cũng chính là lý do tôi ở lại vì thấy Paris không còn xa lạ nữa.

Là một người Việt trẻ tại Pháp, bạn có ước mong gì để đóng góp cho quê hương?

Tôi tin rằng, phần lớn người Việt Nam đang sống, học tập và lao động ở nước ngoài đều mong muốn và khao khát được đóng góp sức mình cho sự phát triển của quê hương. Tùy vào hoàn cảnh, sức lực mà mỗi người có một cách đóng góp khác nhau. Theo tôi nghĩ, ngay cả một sinh viên chỉ có đi học và vẫn phải sống bằng tiền chu cấp của bố mẹ từ Việt Nam gửi sang nhưng việc người đó học tập tốt và để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người bản xứ thì cũng là một đóng góp không nhỏ cho đất nước.

Có thể nói, mỗi người Việt trẻ cũng giống như một đại sứ của Việt Nam trong lòng người dân Pháp và đó chính là hình ảnh cụ thể của đất nước ta - một đất nước năng động và khát khao vươn lên.

Cá nhân tôi, sau khi trau dồi kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài thêm một thời gian, tôi cũng muốn được trở về Việt Nam làm việc ngay khi có cơ hội.

Theo Linh Hương (thực hiện)
Thế giới và Việt Nam