Khai mạc Triển lãm "Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" trên đất Lào
Sáng 12/10, tại tỉnh Savannakhet diễn ra lễ khai mạc Triển lãm "Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên đất Lào, thời kỳ 1961-1975".
Hoạt động do Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet và Bộ Quốc phòng Lào phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Tây Trường Sơn (1961-2016).
Tham dự Lễ khai mạc có Bí thư, Tỉnh trưởng Savannakhet Xantiphap Phomvihane, đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, cán bộ nhân viên Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Savannakhet cùng đông đảo Việt kiều cũng như người dân trong tỉnh.
Triển lãm đã tái hiện một thời kỳ hào hùng trong lịch sử cùng chiến đấu và cùng chiến thắng của nhân dân và Quân đội nhân dân hai nước Việt Nam và Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, và với sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới.
Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Lào nhấn mạnh: "Cuộc triển lãm này khắc sâu nêu đậm tính chất huyền thoại, sự vĩ đại của con đường này, như một biểu tượng, một tượng đài của tình đoàn kết đặc biệt liên minh chiến đấu Việt Nam -Lào, Lào -Việt Nam, như một biểu tượng của sự hy sinh giúp đỡ chí tình chí nghĩa của Lào cho cách mạng Việt Nam.
Gần 100 bức ảnh trưng bày tại triển lãm là các bức ảnh tài liệu của các phóng viên chiến trường mà nhiều người đã ngã xuống ngay tại con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên đất Lào này.
Đây là những bức ảnh rất quý giá, nhưng cũng chưa phải là tất cả tư liệu về con đường huyền thoại này mà chỉ là tư liệu một phần của con đường huyền thoại này".
Bà Phạm Thị Yến- chiến sỹ quân bưu thuộc Tiểu đoàn 16 thông tin- rất xúc động khi ngắm nhìn lại những bức hình của chính mình cùng các đồng đội đang vận chuyển thư báo cho các đơn vị trên tuyến đường vô vàn khó khăn gian khổ ngày ấy, có lúc mấy ngày liền không được một hạt cơm, và người mẹ Lào đã san sẻ phần cơm ít ỏi của mình cho các chị.
"Người Việt Nam có câu tục ngữ "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", phải nói là cảm thấy rất cảm ơn mẹ mà cũng không biết nói thế nào, không biết Mẹ như thế nào, trong chiến tranh không có hỏi tên, cũng không biết tiếng Lào bao nhiêu nên không hỏi mẹ là ở đâu chỉ biết cảm ơn và mang ơn mẹ trong suốt cuộc đời của người lính ở bên đấy", bà Yến nói.
Trong số các bức ảnh được trưng bày tại Triển lãm có nhiều bức ảnh lần đầu được giới thiệu rộng rãi với công chúng; đặc biệt là tấm bản đồ về mạng lưới Đường Hồ Chí Minh-Tây Trường Sơn do các cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn tái hiện trên cơ sở các tư liệu và ký ức lịch sử.
Ông Trần Văn Phúc, nguyên bộ đội Trường Sơn thuộc Trung đoàn 98 Công binh cho biết: "Trong số 20.000km tuyến đường Trường Sơn thì có tới 14.000km đi qua đất bạn Lào. Đây là một con số rất đáng ghi nhận trong lịch sử.
Thứ hai, đường ống xăng dầu dài 1.400km thì có tới 700km nằm trên đất bạn còn tuyến đường sông dài 500km thì có tới 300km đi qua đất bạn Lào, để nói rằng đường Tây Trường Sơn đóng góp cực kỳ to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của hai dân tộc mà tình hữu nghị đặc biệt đã mang lại.
Đường Hồ Chí Minh-Tây Trường Sơn là tượng đài vĩ đại và bất tử của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam, góp phần cho thắng lợi của hai nước, hai dân tộc".
Sau Triển lãm, toàn bộ các bức ảnh và bản đồ sẽ được tặng lại cho bảo tàng Bảo tàng Quân đội nhân dân Lào nhằm có thêm tư liệu tuyên truyền thông tin về con đường huyền thoại, về sự hy sinh giúp đỡ của Lào dành cho Việt Nam cũng như mối quan hệ đặc biệt thủy chung son sắt của hai dân tộc Việt Nam-Lào./.
Theo