Giới thiệu nghệ thuật cải lương Việt Nam tại Pháp
Thời gian gần đây, nghệ thuật cải lương đã được quảng bá đến nhiều nơi trên thế giới thông qua nhiều hoạt động nghệ thuật được tổ chức tại Pháp.Các hoạt động này là những đóng góp tích cực, nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế về môn nghệ thuật ca kịch cổ truyền của Việt Nam.
Lần đầu tiên, nghệ thuật cải lương đã được trình diễn tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet ở trung tâm thủ đô Paris(Pháp) trong hai đêm 8 và 9/3. Hoạt động được diễn ra bởi sự ủng hộ của ông Hubert Laot, Giám đốc nghệ thuật của Bảo tàng. Theo ông Hubert Laot, cải lương là loại hình nghệ thuật thú vị, phản ánh văn hóa Việt Nam qua nhiều giai đoạn, cần được bảo tồn, lưu giữ và phát huy.
Ngày 16/3, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã tổ chức buổi gặp gỡ với các nghệ sĩ cải lương, trong đó có Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu đến từ Việt Nam và nghệ sĩ Hương Thanh, Việt kiều sống tại Pháp. Hai nghệ sĩ đã trình bày trích đoạn một số tác phẩm nổi tiếng như "Dạ cổ hoài lang", "Hát ru",… và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe, nhất là bạn bè quốc tế.
Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu và nghệ sĩ Hương Thanh tại buổi giao lưu
Theo kế hoạch, các nghệ sĩ sẽ tiếp tục trình diễn môn nghệ thuật truyền thống này trong khuôn khổ Tuần lễ Kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Hòa bình Paris về Việt Nam 1973 tại thành phố Choisy-Le-Roi, từ ngày 19-26/3.
Cải lương là loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, hình thành trên cơ sở dân ca miền Đồng bằng sông Cửu Long, hình thành vào những năm đầu thế kỷ 20. Theo nghĩa Hán Việt, “Cải lương” nghĩa là sửa đổi cho tốt hơn, hay hơn. Cải lương là sự kết hợp của các tích truyện dân gian Việt Nam và các truyện cổ Ấn Độ, Nhật Bản với giai điệu của nghệ thuật hát bội, dân ca Nam Bộ…
Được lưu giữ theo hình thức “cha truyền, con nối”, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cải lương đã trở thành môn nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống người dân Nam Bộ.
Theo TTXVN